Bệnh lý hoàng điểm mắc phải
    • Tiếng Việt
    • English
  • Hotline:0969.128.128

  • Hoàng điểm là gì?

    Hoàng điểm ở trung tâm võng mạc, là một hình bầu dục, rộng khoảng 3mm, nằm phía ngoài đĩa thị. Hoàng điểm nhìn sẫm mầu hơn so với võng mạc vì ngoài tế bào biểu mô sắc tố, ở đó còn có nhiều sắc tố màu vàng.

    Trung tâm hoàng điểm là một chỗ lõm xuống gọi là hố trung tâm. Vùng hoàng điểm chỉ có tế bào gậy và tế bào nón (hố trung tâm chỉ có tế bào nón). Đây là nơi cho thị lực cao nhất, tinh tế nhất. Hố trung tâm là vùng vô mạch, rộng khoảng 0,5mm. Trao đổi chất đều dựa vào lớp biểu mô sắc tố.

    vong mac nguoi binh thuong

    Võng mạc bình thường Hình ảnh này cho thấy võng mạc bên phải của một bệnh nhân không bị bệnh võng mạc. Điểm vàng có vẻ tối hơn so với võng mạc xung quanh vì nó có mật độ tế bào biểu mô sắc tố võng mạc cao hơn. Hình ảnh do bác sĩ Sunir Garg cung cấp.

    Triệu chứng của bệnh lý hoàng điểm mắc phải

    Triệu chứng hay gặp nhất trong các bệnh lý hoàng điểm mắc phải, là giảm chức năng của hoàng điểm, gọi chung là hội chứng hoàng điểm:

    • Giảm thị lực
    • Nhìn hình biến dạng
    • Có ám điểm trung tâm
    • Rối loạn thị lực mầu
    • Lóa mắt, song thị một mắt. Đôi khi hội chứng hoàng điểm rất kín đáo, phải làm khám nghiệm Amsler và thị lực mầu mới phát hiện được.

    Một số bệnh lý hoàng điểm mắc phải hay gặp:

    • Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch
    • Thoái hóa hoàng điểm tuổi già
    • Lỗ hoàng điểm vô căn
    • Màng trước hoàng điểm vô căn (Hội chứng Jaffe)
    • Phù hoàng điểm dạng nang
    • Bệnh hoàng điểm bẩm sinh di truyền:
      + Thoái hóa hoàng điểm trên người trẻ (Bệnh Stargardt)
      + Thoái hóa hoàng điểm lòng đỏ trứng
      + Bệnh lý Toxoplasma VM vùng HĐ
    • Cận thị bệnh lý
    • Các vết dạng mạch máu
    • Các nếp gấp hắc mạc

     

    Thoái hóa hoàng điểm liên quan đến tuổi già (ARMD)

    Thoái hoá hoàng điểm liên quan đến tuổi già là sự giảm thị lực do tổn thương các tế bào thần kinh thị giác ở võng mạc và tổn thương lớp tế bào biểu mô sắc tố kết hợp với hình thành những tân mạch dưới võng mạc ở những người trên 50 tuổi.
    Thoái hoá hoàng điểm tuổi già là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà không hồi phục tại các nước đang phát triển ở những người lớn tuổi. Bệnh thường xảy ra ở hai bên mắt, mặc dù mức độ tổn thương hai mắt không đồng đều nhau. Thoái hoá hoàng điểm tuổi già chiếm tỷ lệ 14% trong các bệnh nhân mù. Tần suất giảm thị lực trầm trọng gia tăng theo độ tuổi. Thoái hoá hoàng điểm chiếm 9% những người trên 50 tuổi, 23- 33% những người trên 75 tuổi.

    thoái hóa hoàng điểm tuổi giả

    Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi (thể khô, mức độ trung bình) Các sắc tố thay đổi thành biểu mô sắc tố võng mạc (các đốm nâu nhỏ) và drusen rộng (các đốm vàng lớn hơn) là điển hình của AMD khô trung gian. Hình ảnh do bác sĩ Sunir Garg cung cấp.

    Thoái hoá hoàng điểm tuổi già có 2 thể:

    • Thể khô: thể không xuất tiết liên quan đến những thay đổi quá phát, teo lớp biểu mô sắc tố ở vùng hoàng điểm (vùng đạt thị lực cao). Thể này có thể tiến triển hình thành các tân mạch gây xuất huyết võng mạc.
    • Thể ướt: liên quan đến hình thành các tân mạch hắc mạc ở dưới võng mạc. Các tân mạch này thường gây chảy máu võng mạc.

    Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hoá hoàng điểm tuổi già

    • Tuổi: là yếu tố rất quan trọng, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng lớn
    • Tiền sử gia đình
    • Viễn thị
    • Những yếu tố nguy cơ khác:
      + Người có mống mắt nhạt màu
      + Tiền sử mắc bệnh tim mạch
      + Hút thuốc lá nhiều năm

    Biểu hiện lâm sàng

    • Bệnh không gây đau nhức mắt chỉ nhìn mờ từ từ theo thời gian. Đây cũng chính là lý do mà nhiều người bệnh bỏ qua. Thông thường bệnh khởi phát ở những người cao tuổi, độ tuổi trung bình khoảng trên 60 tuổi. Nhiều khi thị lực giảm đột ngột nhất là ở thể có tân mạch hắc mạc.
    • Nhìn hình biến dạng, méo mó
    • Nhìn có đám đen trước mắt (Ám điểm trung tâm hay cạnh trung tâm)
    • Đọc sách khó khăn
    • Rối loạn thị lực mầu: nhìn mọi vật mờ và nhạt mầu. Đôi khi nhìn thấy hai hình (song thị).
    • Khám đáy mắt:
      + Drusen
      + Chụp đáy mắt (chụp mạch huỳnh quang): thấy màng tân mạch hắc mạc, bong biểu mô sắc tố, Sẹo dạng đĩa thị.

    Điều trị thoái hóa hoàng điểm

    Đối với thể khô

    • Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu nào có thể ngăn cản được sự tiến triển của bệnh. Các thuốc chống oxy hoá (vitamin C, vitamin E, kẽm, glutathion, beta- caroten, selenium), các thuốc tăng cường dinh dưỡng, chuyển hoá protein hiện đang được khuuyên dùng.
    • Các phương pháp hỗ trợ thị lực khác:
      + Dùng kính phóng đại, khính trợ giúp thị lực…
      + Chiếu sáng đặc biệt, thay đổi hoàn cảnh sống của bệnh nhân
    thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể khô

    Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi (thể khô, mức độ trung bình) Các sắc tố thay đổi thành biểu mô sắc tố võng mạc (các đốm nâu nhỏ) và drusen rộng (các đốm vàng lớn hơn) là điển hình của AMD khô trung gian. Hình ảnh do bác sĩ Sunir Garg cung cấp.

    Đối với thể ướt

    • Dùng Laser quang đông hiện là phương pháp duy nhất gây phá huỷ các vùng tân mạch nhằm ngăn ngừa tổn thương hoàng điểm.
    • Dùng các loại thuốc ức chế, tăng sinh, thoái lui màng tân mạch hắc mạc.

    thoái hóa hoàng điểm tuổi già thể ướt

    Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi (thể ướt) Ảnh chụp võng mạc bị AMD thể ướt. Hình ảnh này cho thấy drusen bị vôi hóa, chảy máu dưới màng cứng, màng thần kinh màng đệm (màu đen từ máu cũ và xơ hóa) và sắc tố xanthophyll trong hoàng điểm. PAUL WHITTEN/SCIENCE PHOTO LIBRARY (Wet Age Related Macular Degeneration)

    Đội ngũ Bác sỹ

    Các thông tin trên website Matquocte.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách hàng không tự ý áp dụng. DND không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.

    Chính sách quản lý bảo vệ, khai thác & đảm bảo an toàn thông tin khách hàng sử dụng website.

    Copyright 2023 International Eye Hospital | All right reserved. Address: 128 Bùi Thị Xuân Str, Hà Nội.

    show hide
    go top