Tổng quan về tật khúc xạ
    • Tiếng Việt
    • English
  • Hotline:0969.128.128

  • Mắt bị tật khúc xạ là tình trạng vô cùng phổ biến hiện nay, gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn mọi vấn đề xoay quanh tật khúc xạ.

    1. Cấu tạo của mắt

    Đôi mắt được coi là một trong những cơ quan có vai trò quan trọng trên cơ thể, giúp chúng ta nhìn nhận được các đặc điểm của mọi vật xung quanh. Thông thường, một đôi mắt khoẻ mạnh (mắt chính thị hay mắt không có tật khúc xạ) sẽ tiếp nhận ánh sáng thông qua nhãn cầu. Ánh sáng này sẽ hội tụ tại một điểm trên võng mạc, tạo hình ảnh sắc nét rồi gửi thông tin về vỏ não.

    Để đảm bảo hình ảnh được hội tụ chính xác trên võng mạc, trong quá trình này, cơ thể mi sẽ điều chỉnh hình dạng của thuỷ tinh thể. Ở những người trẻ tuổi, khả năng này của thuỷ tinh thể sẽ được phát huy tốt hơn.

    mat binh thuong - nhin xa- benh vien mat quocte dnd mat binh thuong - nhin gan- benh vien mat quocte dnd

    Nếu ví mắt là một chiếc máy ảnh thì:

    • Giác mạc và thuỷ tinh thể được ví như vật kính của máy ảnh.
    • Mống mắt được coi như Diaphragm của máy ảnh.
    • Nhãn cầu giống như buồng tối.
    • Võng mạc giống như phim.

    cau-tao-mat-tong-quan-tat-khuc-xa

    2 . Tật khúc xạ là gì?

    Tật khúc xạ là tình trạng mắt không thể hội tụ hình ảnh trên võng mạc, dẫn tới khi nhìn, chúng ta thấy hình ảnh bị mờ. Do đó, các bệnh nhân mắc tật khúc xạ thường hay phải nheo mắt, bị mỏi mắt, co quắp mi hoặc nhìn đôi. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân còn có thể bị lác hoặc nhược thị, gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày.

    3. Nguyên nhân bị tật khúc xạ

    Tật khúc xạ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:

    Tật khúc xạ do bẩm sinh, di truyền

    Có nhiều trẻ em từ khi sinh ra đã mắc các tật khúc xạ do sự bất thường của trục nhãn cầu hoặc giác mạc. Đặc biệt, nếu trẻ sinh ra trong gia đình có bố mẹ bị mắc tật khúc xạ thì nguy cơ cũng cao hơn.

    Tật khúc xạ do thói quen sinh hoạt

    Việc tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử phát ra nguồn ánh sáng xanh: điện thoại, máy tính, ipad… là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến số người mắc tật khúc xạ ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, việc học tập, làm việc trong một khoảng thời gian quá dài cũng khiến mắt phải điều tiết quá nhiều mà không được nghỉ ngơi cũng là nguyên nhân chính gây ra tật khúc xạ.

    Tật khúc xạ do các tổn thương sau chấn thương mắt

    Mắt bị chấn thương do té ngã, va đập, tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông… cũng có thể dẫn đến mắc tật khúc xạ.

    Tật khúc xạ do yếu tố môi trường

    Mắt thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với tia UV từ ánh sáng mặt trời, nhìn trong môi trường có cường độ ánh sáng quá yếu hoặc những vật ở cự ly quá gần.

    Tật khúc xạ do cơ chế lão hoá tự nhiên của cơ thể

    Mắt cũng bị lão hoá như các cơ quan khác trên cơ thể. Khi càng lớn tuổi, khả năng điều tiết của mắt sẽ càng kém đi, gây ra tình trạng nhìn mờ cũng như gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt.

    4. Triệu chứng của tật khúc xạ

    Có 4 loại tật khúc xạ thường gặp, đó là cận thị, viễn thị, loạn thị và lão thị. Mỗi loại tật khúc xạ có những triệu chứng khác nhau.

    tat-khuc-xa-mat-binh-thuong-can-thi-vien-thi

    Triệu chứng của cận thị

    Đây là tật khúc xạ phổ biến nhất, xảy ra khi ánh sáng hội tụ trước võng mạc do giác mạc quá cong hoặc trục nhãn cầu quá dài hoặc cả hai. Người bị cận thị có thể nhìn rõ vật ở khoảng cách gần, nhưng khi nhìn vật ở xa hơn thì cho ra những hình ảnh mờ, khó nhận biết.

    Nếu một người thường xuyên phải nheo mắt, chớp mắt để có thể nhìn rõ thì rất có thể người đó đã bị cận thị. Những người có độ cận thị cao còn thường hay bị mỏi mắt, đau đầu, lác mắt.

    Triệu chứng của viễn thị

    Ngược lại với cận thị, viễn thị là tình trạng xảy ra khi ánh sáng hội tụ ở sau võng mạc do giác mạc quá dẹt, trục nhãn cầu quá ngắn hoặc cả hai. Bệnh nhân mắc viễn thị nhìn xa sẽ rõ hơn nhìn gần và thường hay bị mỏi mắt, đau đầu, chóng mặt nếu phải tập trung nhìn gần trong một khoảng thời gian (đọc sách báo, tài liệu…).

    Triệu chứng của loạn thị

    Trong loạn thị, bề mặt cong phi tuyến (thay đổi) của giác mạc hoặc thủy tinh thể khiến ánh sáng hội tụ theo các phương khác nhau (đứng, chéo, ngang) ở các vị trí khác nhau, thay vì tại một điểm như thông thường. Điều này khiến cho khi nhìn, ta cảm thấy hình ảnh mờ và có cảm giác như bị hoa mắt.

    Loạn thị thường đi kèm với các tật khúc xạ khác như cận thị hoặc viễn thị. Các triệu chứng khi mắc loạn thị bao gồm: nhìn hình ảnh mờ nhòe ở mọi khoảng cách, nhìn đôi (song thị), xuất hiện các bóng mờ, khó khăn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng kém, mỏi mắt, nhức đầu…

    Triệu chứng của lão thị

    Ở người bình thường, thủy tinh thể có thể điều tiết, phồng lên hoặc dẹt xuống thông qua hoạt động của cơ thể mi và dây chằng Zinn. Tuy nhiên khi cơ thể bị lão hoá, thuỷ tinh thể cũng bị suy giảm khả năng điều tiết và gây ảnh hưởng đến thị lực.

    Lão thị có triệu chứng giống với viễn thị là có thể nhìn thấy rõ vật ở xa, gặp khó khăn khi nhìn vật ở gần nhưng lại khác về nguyên nhân. Những người trên 40 tuổi thường hay mắc lão thị.

    5. Chẩn đoán và điều trị tật khúc xạ

    Hiện nay, có 3 phương pháp phổ biến nhất để điều trị tật khúc xạ, bao gồm:

    Sử dụng kính gọng

    Đây là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất để cải thiện thị lực khi đã mắc tật khúc xạ. Phụ thuộc vào tật khúc xạ mà bệnh nhân mắc phải cũng như các thông số đã đo được, bác sĩ nhãn khoa sẽ lựa chọn loại thấu kính phù hợp, giúp bệnh nhân có được tầm nhìn tối ưu.

    Tuy nhiên, việc sử dụng kính gọng cũng có nhiều hạn chế: Gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ…

    Sử dụng kính áp tròng

    So với kính gọng, kính áp tròng có nhiều ưu điểm đáng kể như tăng tính thẩm mỹ, mang đến tầm nhìn sắc nét và thị trường rộng hơn… Kính áp tròng được phân thành 2 loại chính là kính áp tròng mềm và kính áp tròng cứng (kính áp tròng ban đêm Ortho-K). Đây có thể được coi là lựa chọn an toàn và hiệu quả nếu bệnh nhân sử dụng đúng cách, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về vệ sinh nhằm phòng tránh các nguy cơ nhiễm trùng.

    Bên cạnh đó, kính áp tròng vẫn tồn tại những hạn chế ví dụ như nếu mắc một số bệnh về mắt, bạn không thể đeo kính áp tròng. Tốt nhất, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại kính áp tròng.

    Phẫu thuật tật khúc xạ

    Trong những năm trở lại đây, phẫu thuật khúc xạ là giải pháp được ngày càng nhiều bệnh nhân lựa chọn để có được thị lực như mong muốn mà không cần phụ thuộc vào kính gọng hay kính áp tròng. Mục đích của phẫu thuật khúc xạ là nhằm thay đổi hình dạng của giác mạc vĩnh viễn. Sự thay đổi hình dạng này giúp mắt phục hồi khả năng cho phép các tia sáng tập trung chính xác vào võng mạc, từ đó cải thiện thị lực.

    Hiện nay, có nhiều phương pháp phẫu thuật khúc xạ khác nhau, đáp ứng nhu cầu điều trị của nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau: Clear, ReLEx SMILE, Femto Lasik, SmartSurfACE, Lasik, Phakic, Presbyond… Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân cần trải qua quy trình thăm khám kĩ lưỡng tại bệnh viện nhãn khoa nhằm đánh giá chính xác các chỉ số cần thiết (độ khúc xạ, chiều dày giác mạc…). Từ kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn giúp bệnh nhân lựa chọn được phương pháp phù hợp nhất.

    6. Cách phòng tránh tật khúc xạ và một số lưu ý

    Để phòng tránh cũng như không làm cho tình trạng tật khúc xạ thêm trầm trọng, chúng ta nên lưu ý một số những điều sau:

    • Không sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài do ánh sáng xanh phát ra từ những vật dụng này rất có hại cho đôi mắt. Tuyệt đối không sử dụng trong bóng tối.
    • Đảm bảo làm việc và học tập trong môi trường đủ ánh sáng: Tiêu chuẩn đáp ứng ánh sáng đủ là không quá sáng, không bị khuất bóng, không chiếu trực tiếp vào mắt và ưu tiên nguồn ánh sáng tự nhiên.
    • Giữ đúng khoảng cách khi ngồi học hoặc làm việc: Đối với học sinh, sinh viên khoảng cách khi đọc sách và viết tiêu chuẩn là từ 35-40cm; đối với người làm việc văn phòng, khoảng cách từ mắt tới màn hình máy tính là 40-50cm, vị trí mắt nhìn cần cao hơn trung tâm màn hình.
    • Áp dụng quy tắc 20-20-20 vào cuộc sống hàng ngày: Sau mỗi 20 phút làm việc, học tập thì cho mắt nhìn vào một vật cách xa 20 feet (tương đương 6m) trong vòng 20 giây. Tránh để mắt làm việc liên tục quá 60 phút. Lúc nghỉ ngơi không nên xem TV hay điện thoại.
    • Bảo vệ mắt khỏi tia UV từ ánh nắng mặt trời: Ngoài ánh sáng xanh thì tia UV cũng rất có hại cho mắt. Do đó, bạn nên đeo kính râm mỗi khi ra ngoài.
    • Ngăn ngừa chấn thương mắt: Đeo kính bảo hộ khi làm những việc có nguy cơ tổn thương mắt, chẳng hạn như chơi thể thao, sơn hoặc sử dụng các sản phẩm có khói độc…
    • Xây dựng một thực đơn ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết: Tăng cường rau xanh và hoa quả, nên ăn những loại rau giàu beta carotene và vitamin A vì chúng là các dưỡng chất rất tốt cho sức khỏe của mắt.
    • Tập luyện các bài thể dục cho mắt như đảo mắt, tập nhìn xa trong vòng 20 giây rồi lại nhìn gần…
    • Tuân thủ lịch thăm khám mắt định kỳ từ 3-6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý về mắt nói chung cũng như các tật khúc xạ nói riêng. Bên cạnh đó, việc khám mắt định kỳ còn giúp bệnh nhân và bác sĩ nắm được tình hình tiến triển độ khúc xạ của mắt. Từ đó có những điều chỉnh phù hợp nhất với tình trạng mắt hiện tại.

    Các tật khúc xạ tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt. Trong một số trường hợp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tật khúc xạ còn có thể gây suy giảm thị lực hoặc mất thị lực vĩnh viễn.

    Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ bạn mắc tật khúc xạ, hãy đến thăm khám tại các cơ sở nhãn khoa để kịp thời phát hiện và được bác sĩ tư vấn phương án điều trị phù hợp nhất với tình trạng mắt.

    BỆNH VIỆN MẮT QUỐC TẾ DND – International Eye Hospital

    • Địa chỉ: 128 Bùi Thị Xuân – Hai Bà Trưng – Hà Nội.
    • Tổng đài CSKH: 19006966 – 0969.128.128
    • Email: info@matquocte.vn | vienmatquoctednd@gmail.com
    • Fanpage: facebook.com/VienMatQuocTe/

    Đội ngũ Bác sỹ

    Trang thiết bị

    Các thông tin trên website Matquocte.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách hàng không tự ý áp dụng. DND không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.

    Chính sách quản lý bảo vệ, khai thác & đảm bảo an toàn thông tin khách hàng sử dụng website.

    Copyright 2023 International Eye Hospital | All right reserved. Address: 128 Bùi Thị Xuân Str, Hà Nội.

    show hide
    go top