Mù màu có thể gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống hàng ngày. Bài test sắc giác sẽ giúp bệnh nhân phát hiện sớm rối loạn sắc giác để điều trị kịp thời.
Sắc giác là gì?
Sắc giác là một chức năng thị giác cho phép một người nhận thức được các dải màu sắc khác nhau trong cuộc sống hàng ngày dựa vào các bước sóng ánh sáng khác nhau của quang phổ nhìn thấy.
Mắt của người bình thường có 3 loại tế bào nón ở võng mạc chứa các sắc tố để hấp thụ các bước sóng ánh sáng của quang phổ nhìn thấy: sắc tố đỏ hấp thụ bước sóng màu đỏ; sắc tố lục hấp thụ bước sóng màu lục và sắc tố lam hấp thụ bước sóng màu lam.
Test sắc giác là gì?
Kiểm tra sắc giác là một nghiệm pháp được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt, bằng những kỹ thuật chuyên môn và sự hỗ trợ của thiết bị y tế để xác định xem bệnh nhân có bị mắc chứng rối loạn sắc giác hay còn gọi là bệnh mù màu hay không. Đây là chứng bệnh về mắt khiến người bệnh giảm hoặc mất khả năng phân biệt được một số màu sắc. Nguyên nhân gây bệnh có thể là do:
- Bẩm sinh, di truyền: người bệnh mất khả năng phân biệt các màu sắc cơ bản như xanh, vàng…
- Tuổi tác, tình trạng lão hóa: thị lực và khả năng phân biệt màu sắc cũng giảm dần khi độ tuổi tăng gây ra tình trạng mù màu ở người cao tuổi.
- Mắc các bệnh: tăng nhãn áp, thoái hóa điểm vàng, bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh tiểu đường…
- Sử dụng thường xuyên một số loại thuốc (như một số thuốc điều trị rối loạn thần kinh, cao huyết áp, nhiễm trùng,…) hoặc tiếp xúc các hóa chất độc hại cũng có thể gây ảnh hưởng đến tầm nhìn một số màu sắc.
Rối loạn sắc giác được chia thành hai mức độ là:
- Khuyết sắc: Người bệnh không phân biệt được một số màu sắc nhất định, trong khi những màu khác thì vẫn phân biệt được. Khuyết sắc gồm có hai dạng là người bệnh không phân được giữa màu lục và màu đỏ và dạng không phân biệt được giữa màu vàng và màu xanh da trời.
- Mù màu: Người bệnh hoàn toàn không phân biệt được giữa các màu.
Rối loạn sắc giác thường gặp ở nam giới nhiều hơn nữ. Kết quả khảo sát cho thấy bệnh gặp ở 3-5% nữ và 8-10% nam giới đến khám. Trong đó chủ yếu là rối loạn sắc giác dạng khuyết sắc, mù màu hoàn toàn rất hiếm gặp.
Test sắc giác tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND
Để kiểm tra sắc giác, người bệnh sẽ được thực hiện các test mù màu. Có hai loại test mù màu:
- Test định tính: giúp phát hiện bệnh nhân có các vấn đề về thị lực màu và
- Test định lượng: giúp xác định loại mù màu, mức độ mù màu của người bệnh.
Test mù màu định tính
Test định tính mù màu được sử dụng phổ biến nhất là test thị lực màu Ishihara. Test này gồm những mẫu vẽ hình tròn, trong đó chứa nhiều chấm nhỏ với kích thước, màu sắc, độ đậm nhạt khác nhau. Một số dấu chấm trong hình vẽ tạo thành hình dạng hoặc số có từ một đến hai chữ số mà người bình thường có thể dễ dàng nhận ra được, trong khi người mù màu không thể nhìn ra hoặc nhìn ra thành một con số khác với người có sắc giác bình thường.
Để thực hiện test thị lực màu Ishihara, người bệnh sẽ được nhìn các mẫu vẽ trong điều kiện ánh sáng bình thường khi đang đeo kính của chính họ. Do test Ishihara đòi hỏi người tham gia phải nhận biết và xác định được các con số nên test này không phù hợp với trẻ còn quá nhỏ.
Test mù màu định lượng
Test mù màu định lượng được sử dụng phổ biến nhất là test màu Farnsworth-Munsell 100. Test này gồm 4 khay chứa nhiều đĩa nhỏ với các màu sắc khác nhau. Mỗi khay có nhiều đĩa với một dãy màu liên quan. Người tham gia test phải sắp xếp các đĩa màu trong khay sao cho màu sau phải gần giống với màu trước nhất, tạo thành một dãy liên tục tăng dần về màu sắc. Thứ tự màu sắc người thực hiện sắp xếp càng giống với mẫu thì khả năng nhận biết màu sắc của người đó càng cao.
Test màu Farnsworth-Munsell 100 giúp phân tích chi tiết hơn bệnh mù màu, không những phát hiện người tham gia có bị mù màu hay không mà còn xác định được loại và mức độ nghiêm trọng sự rối loạn sắc giác của họ.
Test màu Farnsworth-Munsell 100 được thực hiện ở nơi có ánh sáng gần với ánh sáng tự nhiên, người bệnh đeo kính của chính họ. Các đĩa màu phải được thay thế ít nhất 2 năm/lần để tránh hiện tượng phai màu làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.
Sau khi thực hiện xong, người khám sẽ ghi lại trật tự sắp xếp màu lên tờ kết quả. Test được coi là không đạt kết quả nếu có 2 đường cắt nhau ở giữa, yêu cầu bệnh nhân nghỉ ngơi rồi thực hiện lại. Sau khi nối các điểm với nhau, nếu xuất hiện các đường song song với trục thể hiện loại mù màu cho trước (protan, deutan, tritan) thì chứng tỏ bệnh nhân có rối loạn sắc giác màu đỏ, lục hoặc lam.
Hiện nay, các test mù màu online rất phổ biến trên mạng internet. Tuy nhiên, chất lượng hình ảnh của các test mù màu này có thể không đảm bảo. Do đó, để được đánh giá chính xác tình trạng rối loạn sắc giác, người bệnh nên đến khám mắt tại bệnh viện mắt uy tín, bởi bác sĩ chuyên khoa và làm test mù màu với dụng cụ chuyên nghiệp trong điều kiện ánh sáng đủ tiêu chuẩn.