Đo giác mạc là bước quan trọng trong quy trình khám chuyên sâu, quyết định khả năng thực hiện phẫu thuật và phản ánh sức khỏe của mắt và chất lượng thị giác sau phẫu thuật.
Giác mạc và vai trò của giác mạc
Giác mạc (hay còn gọi là lòng đen) có tên tiếng Anh là cornea, là một màng có cấu tạo trong suốt, rất dai, có hình chỏm cầu chiếm 1/5 phía trước của vỏ nhãn cầu. Đường kính của giác mạc khoảng 11mm, bán kính độ cong là 7,7 mm. Chiều dày giác mạc ở trung tâm (trung bình 520µm) mỏng hơn ở vùng rìa (trung bình 700µm). Bán kính cong mặt trước giác mạc tạo thành lực hội tụ khoảng 48,8D, chiếm 2/3 tổng công suất khúc xạ của nhãn cầu.
Được cấu tạo bởi 5 lớp màng, giác mạc có những chức năng quan trọng đối với mắt:
Cùng với hốc mắt, mi mắt, củng mạc bảo vệ bề mặt nhãn cầu tránh khỏi các tác nhân như vi trùng, bụi, các tác nhân có hại khác xâm nhập vào nhãn cầu.
Giác mạc chiếm 2/3 công suất khúc xạ của nhãn cầu. Do đó, nó như một thấu kính có chức năng kiểm soát và hội tụ các tia sáng vào mắt. Để nhìn rõ, các tia sáng đến bề mặt nhãn cầu phải được hội tụ bởi giác mạc và thủy tinh thể để rơi đúng vào võng mạc. Võng mạc chuyển các tia sáng thành các xung thần kinh truyền đến não giúp ta nhận biết hình ảnh.
Ngoài ra, giác mạc còn giống như bộ lọc sàng lọc tia cực tím (UV) có hại cho mắt, bảo vệ thủy tinh thể và võng mạc khỏi những tổn hại bởi tia UV.
Tại sao cần đo chiều dày giác mạc trước phẫu thuật tật khúc xạ?
Hiện nay, các phương pháp phẫu thuật tật khúc xạ sử dụng tia laser như SMILE pro, SMILE/CLEAR, Femto Lasik, SBK Lasik đều có cơ chế chung là điều trị tật khúc xạ bằng cách làm thay đổi độ cong giác mạc, triệt tiêu các tế bào nội mô và làm mỏng giác mạc.
Đo giác mạc là việc bắt buộc khi khám trước mổ cận
Các phương pháp này có nhiều ưu điểm: giác mạc ở vị trí bề mặt dễ tiếp cận, giác mạc có khả năng tự liền, can thiệp ngoại nhãn ít nguy cơ gây biến chứng… Tuy nhiên, bệnh nhân có độ khúc xạ càng cao thì giác mạc cần làm mỏng đi càng nhiều.
Một ca phẫu thuật được cho là an toàn khi phần giác mạc còn lại sau phẫu thuật đủ độ dày để bảo vệ cho đôi mắt. Nếu phần giác mạc còn lại quá mỏng, mắt sau phẫu thuật dễ gặp các nguy cơ như giãn lồi giác mạc, khô mắt, tái cận… Chính vì vậy, việc đo chính xác độ dày giác mạc trước phẫu thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xác định mắt có đủ điều kiện để phẫu thuật hay không và nên lựa chọn phương pháp nào là tối ưu nhất.
Quy trình đo chiều dày giác mạc tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND
Khám chuyên sâu trước mổ, bao gồm cả việc đo chiều dày giác mạc tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND áp dụng quy trình và hệ thống máy móc chẩn đoán hình ảnh chuẩn Quốc tế:
- Máy đo khúc xạ tự động cho biết thông số khúc xạ và độ dày giác mạc trung bình
- Máy đếm tế bào nội mô CEM-530 cho biết số lượng tế bào nội mô và độ dày vùng trung tâm giác mạc
- Máy chụp bản đồ giác mạc Schwind Sirius với công nghệ phân tích tiền sóng WaveFront
- Đặc biệt là hệ thống khảo sát và đánh giá toàn diện chất lượng giác mạc Oculus Pentacam-Corvis ST duy nhất tại miền Bắc
Từ các thông số trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ lấy giá trị thấp nhất tại vùng trung tâm giác mạc làm cơ sở thực hiện phẫu thuật để đảm bảo rằng nếu phần mỏng nhất của giác mạc cũng đáp ứng điều kiện an toàn thì các phần còn lại dày hơn chắc chắn sẽ thỏa mãn. Theo quy chuẩn chung Quốc tế, độ dày giác mạc còn lại sau phẫu thuật an toàn khi ở mức tối thiểu là 380µm. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ đưa ra những cảnh báo rủi ro biến chứng dành cho các bệnh nhân có độ khúc xạ cao, giác mạc mỏng, yếu và tư vấn định hướng bệnh nhân lựa chọn các phương pháp an toàn nhất hiện nay: SMILE pro, SMILE/CLEAR…