1. Định nghĩa
Chụp cắt lớp võng mạc (Optical Coherence Tomography – OCT) là một xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, sử dụng sóng ánh sáng để chụp cắt lớp hình ảnh võng mạc trong mắt. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chụp OCT để đánh giá chi tiết các lớp của võng mạc.
Độ dày của lớp thần kinh võng mạc có thể được đo dễ dàng nhờ vào phương pháp chụp OCT. Từ đó, giúp bác sĩ nhãn khoa đưa ra những hướng điều trị cho người bị tăng nhãn áp hay các bệnh về võng mạc. Các bệnh về võng mạc có thể là thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác hay tình trạng biến chứng trên mắt ở người bệnh đái tháo đường.
2. Tại sao bạn cần chụp cắt lớp võng mạc?
Bác sĩ thường yêu cầu bạn chụp cắt lớp võng mạc OCT để chẩn đoán hay theo dõi các bệnh liên quan đến võng mạc hoàng điểm như:
- Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch: Chụp OCT giúp bác sĩ thấy được dịch tích tụ giữa lớp thần kinh cảm thụ và lớp biểu mô sắc tố của võng mạc, đo được kích thước của khối dịch. Ngoài ra, bác sĩ nhãn khoa còn có thể xác định được vị trí của điểm dò qua vị trí tổn hại hoặc bong lớp biểu mô sắc tố.
- Bệnh lỗ hoàng điểm: Xác định lỗ hoàng điểm và đo được kích thước của nó. Đồng thời, có thể thấy được co kéo dịch kính võng mạc gây ra lỗ hoàng điểm và chiều dày võng mạc vùng xung quanh.
- Phù hoàng điểm: Đặc biệt là phù hoàng điểm dạng nang, cho phép đánh giá mức độ phù hợp hoàng điểm thông qua chiều dày của vùng hoàng điểm phù.
- Màng trước võng mạc co kéo dịch kính võng mạc.
- Phù võng mạc trong các bệnh khác nhau như tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, bệnh võng mạc đái tháo đường…
- Bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già, tân mạch võng mạc, tân mạch dưới võng mạc…
Không những thế, chụp OCT còn được ứng dụng trong việc chẩn đoán và theo dõi các bệnh gai thị, đặc biệt là đánh giá mức độ tổn hại gai thị trong bệnh lý glaucom. Song song đó, OCT còn cho phép lưu giữ và so sánh kết quả giữa các lần thăm khám, do vậy giúp cho bác sĩ dễ dàng theo dõi sự tiến triển của bệnh trong quá trình điều trị.
Hơn nữa, chụp OCT còn đánh giá được mức độ teo lõm gai thị, tỷ lệ C/D theo đường kính dọc, ngang, theo diện tích đánh giá viền thần kinh gai thị…
3. Quy trình chụp OCT
Bạn cần chuẩn bị gì trước khi chụp OCT?
Chụp OCT khá đơn giản và nhanh chóng, bạn không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn các bước tiến hành trong quá trình chụp OCT.
Bác sĩ nhãn khoa có thể cho bạn sử dụng một loại thuốc nhỏ mắt đặc biệt, giúp đồng tử mở rộng khiến quá trình kiểm tra võng mạc dễ dàng hơn.
Quy trình chụp OCT được thực hiện như thế nào?
Đầu tiên, bạn sẽ đặt cằm lên vị trí của thiết bị y tế chuyên dụng và nhìn thẳng vào ống kính. Đừng quá lo lắng, sẽ không có thứ gì chạm vào mắt bạn. Quá trình chụp OCT chỉ mất khoảng vài phút cho mỗi mắt.
Ngoài ra, bạn còn phải trải qua giai đoạn kiểm tra thị lực bằng cách đọc vào bảng chữ cái chuyên dùng. Tổng thời gian cho một quá trình kiểm tra và chụp OCT thường mất tầm 45 phút.
Sau khi chụp OCT, bạn có thể gặp tác dụng phụ gì?
Đồng tử mắt có thể vẫn còn giãn do tác dụng của thuốc nhỏ mắt, bạn có khả năng bị nhạy cảm với ánh sáng trong vòng vài giờ sau khi chụp OCT.
4. Lưu ý khi chụp OCT
Một số trường hợp không thể chụp OCT
Bởi vì nguyên tắc của OCT là sử dụng sóng ánh sáng nên nếu mắt bạn mắc phải những tình trạng gây cản trở ánh sáng đi qua mắt sẽ không tiến hành chụp OCT được. Chẳng hạn như:
- Đồng tử co nhỏ dưới 3 mm
- Đục môi trường trong suốt của mắt như: sẹo giác mạc, thủy dịch vẩn đục, đục thủy tinh thể, đục dịch kính, xuất huyết dịch kính…
- Trẻ em hoặc bệnh nhân quá già yếu không phối hợp trong quá trình thăm khám
- Người bệnh không định thị được do thị lực kém.
5. Kết quả chụp OCT
Kết quả chụp OCT của bạn có ý nghĩa gì?
Sau khi chụp OCT, hình ảnh võng mạc của bạn sẽ được bác sĩ nhãn khoa đánh giá và đưa ra kết luận cuối cùng. Nếu kết quả chưa rõ ràng, bạn có thể được yêu cầu thực hiện thêm một vài xét nghiệm để xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh chính xác, từ đó có biện pháp điều trị hiệu quả.