Dấu hiệu phát hiện nhược thị
Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhược thị là mắt lác, ở Việt Nam, có tới 2-4% trẻ em bị mắt lác và 50% trong số đó bị nhược thị. Tuy nhiên, do cha mẹ còn thiếu hiểu biết về những bệnh nguy hiểm liên quan đến lác mắt trong đó có nhược thị, nhiều trẻ đã không được khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, những trẻ bị tật khúc xạ (viễn thị, cận thị, loạn thị, lệch khúc xạ) nhưng không được phát hiện sớm, thị lực hai mắt không đều, đeo kính không đúng số cũng có nguy cơ mắc bệnh. Nguyên nhân dẫn đến nhược thị còn có thể do trẻ bị các bệnh khác ở mắt như sụp mí bẩm sinh, đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc…
Trẻ nhược thị thường có các biểu hiện như nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn do trẻ không nhìn rõ. Đối với những trường hợp có biểu hiện như lác mắt, hoặc bị bệnh về mắt thì ta có thể phát hiện ra được và đưa trẻ đi khám mắt nhưng đối với những trường hợp không có biểu hiện gì thì việc phát hiện ra bệnh là rất khó.
Chẩn đoán nhược thị
Nhược thị có thể được chẩn đoán bằng cách khám mắt và đo thị lực. Có thể dùng nhiều kỹ thuật khác nhau để đo thị lực tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Ngoài ra, những trẻ bị lác nên được theo dõi cẩn thận xem tình trạng nhược thị có xuất hiện hay không.
Cần phải khám mắt toàn diện, kiểm tra tình trạng khúc xạ với thuốc nhỏ liệt cơ thể mi ở các cơ sở chuyên khoa mắt để phát hiện bệnh ở những bệnh nhân trẻ.