(Tiếng Việt) Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Dấu hiệu và điều trị

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt. For the sake of viewer convenience, the content is shown below in the alternative language. You may click the link to switch the active language.

Người ta thường nghĩ bệnh đục thủy tinh thể là bệnh ở người lớn tuổi. Nhưng nhiều trẻ nhỏ, ngay từ khi sinh ra đã mắc đục thủy tinh thể bẩm sinh. Bệnh phát hiện và điều trị muộn sẽ khiến thị lực khó phục hồi, ngay cả khi đã được thay thủy tinh thể.

Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh là gì?

Trẻ trước khi sinh hoặc ngay lúc vừa mới sinh có thể mắc dị tật bẩm sinh hiếm gặp ở mắt là bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh. Trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ không có thủy tinh thể trong suốt như trẻ bình thường mà sẽ bị đục, khiến cho ánh sáng đi vào mắt bị cản trở.

Chính vì điều này nên trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ không thể nhìn rõ bằng mắt như trẻ bình thường. Từ đó hoạt động giữa mắt và não trẻ khó phối hợp với nhau, gây ảnh hưởng đến sự phát triển thị giác và mắt cũng trở nên kém linh hoạt hơn.

đục thủy tinh thể bẩm sinh

Trẻ em khi mới sinh ra có thể mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh

Những dạng của đục thủy tinh thể bẩm sinh

Bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh có các hình thái như sau:

  • Đục thủy tinh thể cực trước: Đây là loại đục thủy tinh thể có tính di truyền, phần bị đục thường nằm ở phần trước của thủy tinh thể;
  • Đục thủy tinh thể cực sau: Ranh giới thủy tinh thể bị đục ở dạng này thường rõ ràng, lớp bị đục xuất hiện ở phần sau của thủy tinh thể;
  • Đục nhân thủy tinh thể: Đục thủy tinh thể bẩm sinh dạng này là phổ biến nhất, phần đục xuất hiện ở phần trung tâm của thủy tinh thể;
  • Đục thủy tinh thể có dấu chấm xanh da trời: Đục thủy tinh thể bẩm sinh dạng này thông thường xuất hiện ở cả mắt của trẻ, quan sát bằng mắt thường sẽ phát hiện những chấm nhỏ màu xanh trong thủy tinh thể. Dạng đục thủy tinh thể xanh da trời này có tính di truyền nhưng không gây ra các vấn đề về thị giác.

Nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể bẩm sinh

Hiện nay, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, số lượng trẻ sơ sinh khi sinh ra mắc bệnh này cũng hiếm. Một số nguyên nhân nghi ngờ gây ra đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể là:

  • Di truyền: Gia đình có người mắc bệnh đục thủy tinh thể thì nguy cơ cao trẻ em sinh ra mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh;
  • Dị tật bẩm sinh: Trẻ sơ sinh có nhiễm sắc thể bất thường như hội chứng chondrodysplasia, hội chứng Down, hội chứng loạn sản ngoại bì,…;
  • Quá trình mang thai nhiễm trình: Người mẹ trong quá trình mang thai mà mắc một số bệnh nhiễm trùng sẽ làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh. Các bệnh nhiễm trùng mẹ có thể mắc trong quá trình mang thai là bệnh giang mai, HIV, bệnh rubella, bệnh sởi, mụn rộp,thủy đậu, bệnh toxoplasmosis…;
  • Khi mang thai bị tổn thương: Khi mang thai mẹ bị chấn thương về thể chất như bị bạo lực thân thể, ngã, tai nạn xe,… rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến mắt của trẻ;
  • Hạ đường huyết trong quá trình mang thai: Mẹ có tiền sử mắc đái tháo đường hoặc mắc đái tháo đường trong quá trình mang thai, nếu không kiểm soát tốt đường huyết có thể dẫn đến đường huyết tăng quá mức hoặc hạ đường huyết. Tình trạng tăng hoặc hạ đường huyết đều có thể làm hỏng các cơ quan trong cơ thể như mạch máu, mắt, dây thần kinh của cả mẹ và bé;
  • Sinh non: Trẻ sơ sinh sinh sớm hơn 37 tuần sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
đục thủy tinh thể bẩm sinh 1

Trẻ có nhiễm sắc thể bất thường có thể sẽ mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh

Bệnh đục thủy tinh thể xảy ra ở mắt người lớn khi mắt đã phát triển và hoàn thiện các chức năng thị giác. Nên khi mắt người lớn bị đục thủy tinh thể, việc thay thế thủy tinh thể nhân tạo sẽ giúp người bệnh lấy lại thị lực. Nhưng ở trẻ sơ sinh, mắt vẫn đang trong quá trình phát triển. Mắt trẻ sẽ phát triển hoàn thiện đến khi trẻ 8 – 10 tuổi, vì vậy, trẻ nếu không được điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến thị giác nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể ở trẻ

Triệu chứng sớm của bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh gồm:

Thị lực giảm: Trẻ sẽ các hành động kiểu quờ quạng, trẻ lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ mờ mắt. Thị lực giảm đồng nghĩa với mức độ đục thủy tinh thể tăng;

Lóa mắt: Giai đoạn đầu khi thể thủy tinh bị đục sẽ gây ra lóa mắt. Mắt sẽ có cảm giác khó chịu và khó chịu nhiều hơn nếu mắc đục thủy tinh thể dưới bao sau;

Lác mắt: Mắt bị đục thủy tinh thể gây nhược thị và lác;

– Một số dấu hiệu khác theo độ tuổi của trẻ:

  1. Dưới 1 tuổi: Đưa đồ chơi cho trẻ, trẻ không biết nhìn theo;
  2. Trên 1 tuổi: Lúc này trẻ đã bắt đầu biết đi và trẻ thường đụng vào đồ vật khi đi;
  3. Trên 3 tuổi: Trẻ đã biết nói và có thể trả lời những câu hỏi có nhìn thấy rõ đồ vật hay không hoặc khi xem tivi trẻ ngồi rất gần với tư thế đầu bất thường;
  4. Trên 6 tuổi: Trẻ đi học sẽ không nhìn rõ chữ trên bảng, không viết được thẳng hàng.

 

đục thủy tinh thể bẩm sinh 2

Dấu hiệu lác mắt ở trẻ là một trong những dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh

Phẫu thuật đục thủy tinh thể bẩm sinh

Những lưu ý trước khi phẫu thuật:

  • Việc lấy bỏ thủy tinh thể bị đục trong những năm đầu đời sẽ giúp thị giác của trẻ được khôi phục lại nhiều nhất;
  • Trẻ nhỏ nếu không được hiệu chỉnh sớm sau khi loại bỏ thủy tinh thể bị đục thì thị giác gần như sẽ không thể phục hồi lại một cách bình thường;
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh hiện vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể, số lượng trẻ sinh ra mắc đục thủy tinh thể cũng hiếm nhưng nếu mắc bệnh sẽ thường kèm theo một vài bệnh lý toàn thân khác và các bệnh này thuộc bệnh hiếm gặp;
  • Việc điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ phụ thuộc vào hình thái và mức độ mờ đục. Để loại bỏ thủy tinh thể đục hầu hết đều cần làm phẫu thuật. Phẫu thuật thủy tinh thể ở người lớn và trẻ nhỏ sẽ có nhiều khác biệt. Việc phẫu thuật ở trẻ em đòi hỏi phải có các dụng cụ phẫu thuật phù hợp cùng các kỹ thuật thích ứng. Quá trình hậu phẫu, trẻ có thể gặp phản ứng viêm hoặc tăng nhãn áp thứ phát và bong võng mạc.

Tiến hành phẫu thuật:

  • Phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ nhỏ đòi hỏi phải gây mê toàn thân. Việc này có thể dẫn tới các bất thường trên tim và các cơ quan khác;
  • Thủy tinh thể ở trẻ nhỏ không có nhân cứng bên trong nên để loại bỏ hoàn toàn thủy tinh thể bị đục các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp hút;
  • Phương pháp lấy thể thủy tinh không đặt kính nội nhãn: Phẫu thuật này thực hiện ở trẻ em sẽ qua vết mổ nhỏ ở vùng rìa bằng dụng cụ cắt dịch kính;
  • Phương pháp lấy thể thủy tinh có đặt thấu kính nội nhãn: Thấu kính nội nhãn được sử dụng trong phẫu thuật thủy tinh thể ở trẻ nhỏ là một mảnh mềm có chất liệu Acrylic. Các bác sĩ sẽ tạo một đường mổ nhỏ 3mm ở đường hầm cùng mạch hoặc rìa giác mạc để đặt loại kính này vào mắt trẻ.

 

Biến chứng sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể

Sau quá trình phẫu thuật thay thủy tinh thể bị đục trong mắt trẻ, trẻ có thể gặp một hoặc nhiều hơn một các biến chứng sau:

  • Viêm màng bồ đào: Nếu trẻ được đặt thấu kính nội nhãn, tỷ lệ tăng sinh của tế bào biểu mô thủy tinh thể ở cả phía trước và sau có thể tăng lên vì sự hình thành phản ứng viêm và dính móng;
  • Đục bao sau: Biến chứng này gần như sẽ xảy ra nếu trẻ không được cắt mở bao sau;
  • Glocom: Đây là tình trạng thường xảy ra sau phẫu thuật đục thủy tinh thể ở trẻ nhỏ;
  • Bong võng mạc: Là biến chứng hiếm gặp nhưng đe dọa lớn đến thị lực của trẻ sau phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể.
đục thủy tinh thể bẩm sinh 3

Viêm màng bồ đào là một trong những biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh

Một số lưu ý chăm sóc sau phẫu thuật

  • Độ khúc xạ: Hiệu chỉnh tình trạng không thủy tinh thể trong mắt là vấn đề cần ưu tiên thực hiện đầu tiên và sớm nhất có thể. Cha mẹ sẽ cần cho trẻ đi kiểm tra độ khúc xạ đúng lịch hẹn của bác sĩ;
  • Chứng nhược thị: Trẻ khi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ nhược thị, sa sút thị lực. Việc phẫu thuật loại bỏ thủy tinh thể bị đục và có sự hiệu chỉnh cho tình trạng không còn thủy tinh thể sẽ giúp cho việc khôi phục độ sáng rõ của hình ảnh. Mặc dù vậy, não bộ vẫn cần phải học cách nhìn và cần có thời gian nhất định để làm quen. Nếu trẻ nhỏ không thể khôi phục tốt thị lực, hậu quả mà bé có thể gặp phải sẽ là rung giật nhãn cầu, nhược thị, lác mắt. 

Quý khách hàng cần hỗ trợ về đặt lịch khám, thông tin về các dịch vụ có tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND vui lòng liên hệ qua số Hotline 0969.128.128 – 0968.11.55.88 để được tư vấn và giải đáp.

DND-dat-lich-kham

5/5 - (1 vote)