Góc tiền phòng đóng khi có sự tiếp xúc của mống mắt và vùng bè do áp hoặc do dính và xuất hiện theo nhiều cơ chế khác nhau dẫn đến cản trở đường thoát của thuỷ dịch qua vùng bè, gây tăng nhãn áp, gây biến đổi các cấu trúc giải phẫu. Glôcôm góc đóng nguyên phát xảy ra khi có bệnh lý đặc trưng của thị thần kinh kèm theo
Các yếu tố nguy cơ
Glôcôm góc đóng thường gặp ở người 35-40 tuổi trở lên, tỷ lệ glôcôm góc đóng nguyên phát tăng lên theo tuổi, đặc biệt sau 50 tuổi.
Bệnh thường gặp ở nữ nhiều hơn nam gấp 2 lần, là hình thái hay gặp nhất ở các nước trong khu vực Châu Á trong đó có Việt nam. Ở các nước Âu, Mỹ tỷ lệ glôcôm góc đóng ít hơn glôcôm góc mở 2-2,5 lần.
Bệnh có tính chất gia đình, tiền sử gia đình có bệnh glôcôm góc đóng
Những mắt có nhiều nguy cơ xuất hiện glôcôm góc đóng gồm:
- Những mắt nhỏ (mắt viễn thị) với giác mạc nhỏ hơn, tiền phòng nông hơn, góc mống mắt giác mạc hẹp hơn, thể thuỷ tinh to tương đối so với các thành phần khác của nhãn cầu và có vị trí nhô ra phía trước.
- Những mắt có tỷ số giữa độ dày của thể thuỷ tinh và chiều dài của trục nhãn cầu cao hơn thì thể thuỷ tinh sẽ chiếm một tỷ lệ lớn hơn trong thể tích nhãn cầu nói chung và bán phần trước nói riêng.
Phân loại Glôcôm góc đóng theo thể lâm sàng
Glôcôm góc đóng nguyên phát có nghẽn đồng tử
Gặp ở 70-80% bệnh nhân glôcôm góc đóng nguyên phát, nữ chiếm đa số ( 66%). Bệnh tiến triển thành từng cơn. Yếu tố khởi phát bệnh có thể là do căng thẳng thần kinh, do giãn đồng tử, làm việc trong bóng tối, công việc đòi hỏi cúi đầu lâu, uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn, uống thuốc kích thích, cảm lạnh đột ngột…Cơn tăng nhãn áp thường xuất hiện vào nửa chiều của ngày hoặc buổi tối do thần kinh, tâm sinh lý mệt mỏi, hệ thần kinh bị kích thích, đồng tử giãn do thiếu ánh sáng.
Glôcôm góc đóng nguyên phát cơn cấp diễn
Thường xuất hiện đột ngột, cấp tính, không thể tự hết cơn. Bệnh cảnh lâm sàng rất điển hình, diễn biến rầm rộ thành cơn, dễ chẩn đoán. Cơn góc đóng nguyên phát cấp cũng có thể xuất hiện lần đầu hoặc xuất hiện sau những cơn bán cấp trước đó. Hầu hết các trường hợp, cơn cấp xảy ra ở 01 mắt, chỉ có khoảng 5% đến 10% cơn xuất hiện đồng thời ở cả 2 mắt.
Dấu hiệu của cơn Glôcôm: Đau nhức mắt xuất hiện đột ngột và dữ dội, thường ở một mắt, đau lan lên nửa đầu cùng bên. Nhìn mọi vật như qua màn sương mù, thấy những quầng màu sắc quanh đèn sáng, chói, sợ ánh sáng. Toàn thân có biểu hiện nôn, buồn nôn, vã mồ hôi, đôi khi có co rút vùng bụng, tim đập nhanh, loạn nhịp..
Thị lực trung tâm giảm đột ngột vì giác mạc phù do nhãn áp tăng cao.
Nhãn áp tăng cao, có khi lên tới 50-60 mmHg. Nắn ngón tay ở mi trên có cảm giác nhãn cầu căng cứng.
Soi đáy mắt: thường không thực hiện được vì giác mạc phù nề nhiều làm khó quan sát rõ các cấu trúc trong mắt. Có thể thấy đĩa thị giác phù nề, bờ nhòa. Không hiếm trường hợp thấy có động mạch trung tâm võng mạc đập. Đôi khi có xuất huyết đĩa thị hoặc xuất huyết cạnh đĩa thị hình ngọn lửa. Có thể có lõm teo đĩa thị glôcôm.
Soi góc tiền phòng: Các góc đóng hoàn toàn.
Cơn glôcôm cấp diễn, nếu không được điều trị tích cực, ít khi tự rút lui mà thường tiến triển một cách trầm trọng. Dần dần mức độ đau nhức có thể giảm bớt nhưng chức năng suy sụp vĩnh viễn do thị thần kinh bị thiếu máu cục bộ, đĩa thị giác bị teo rất nhanh chóng (đĩa thị không kịp lõm).
Điều trị
Nguyên tắc chung
- Điều trị cả 2 mắt. Mắt chưa bị lên cơn tăng nhãn áp cần điều trị dự phòng.
- Bắt đầu điều trị cấp cứu bằng thuốc hạ nhãn áp, co đồng tử, chuẩn bị điều kiện an toàn cho điều trị bằng laser và phẫu thuật.
- Lựa chọn phương pháp laser và phẫu thuật dựa vào tình trạng góc tiền phòng:
- Nếu góc tiền phòng còn mở ≥ ½ chu vi: có chỉ định cắt mống mắt chu biên bằng laser hoặc phẫu thuật
- Nếu góc tiền phòng đóng ≥ ½ chu vi: cần can thiệp phẫu thuật lỗ rò.
Phẫu thuật
Phẫu thuật tạo lỗ dò: cắt bè củng giác mạc, rạch củng mạc được chỉ định khi góc tiền phòng đóng trên 1/2 chu vi.
Là PT cắt 1 mẩu bè và tạo vạt củng mạc để thủy dịch có thể thấm ra và lan tỏa dưới bao tenon, giúp điều chỉnh áp lực trong nhãn cầu.
Phẫu thuật tạo lỗ dò có thể được thực hiện kết hợp với các phẫu thuật thay thủy tinh thể khi có đục thủy tinh thể kèm theo như: phaco, trong bao, ngoài bao,…
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi nhãn áp để đưa ra hướng điều trị tiếp theo, phối hợp thuốc hạ nhãn áp nếu cần.