Lác mắt là gì:
Lác mắt hoặc lé mắt là tình trạng lệch trục nhìn của mắt, khiến hai mắt không thẳng hàng, khi nhìn bị lệch nhau. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Lác mắt có thể lệch vào trong (lác trong), lệch ra ngoài (lác ngoài), hoặc một mắt có thể cao hơn mắt khác (lác trên, lác dưới). Lác mắt có thể dẩn đến thị lực hai mắt giảm, gây ảnh hưởng đáng kể tới sinh hoạt và đối với trẻ em lác mắt còn có thể phát triển thành bệnh mắt lười (nhược thị)
Nguyên nhân gây lác mắt?
Mắt di chuyển được nhờ 6 loại cơ hoạt động thống nhất với nhau, tuy nhiên khi gặp tình trạng lác, các cơ sẽ hoạt động không đồng nhất. Nguyên nhân chủ yếu gây ra lác mắt là do sự kết hợp thiếu cân bằng giữa não bộ và các cơ ở mắt.
Dấu hiệu sớm nhận biết lác mắt ở trẻ:
Các bố mẹ nên chú ý nếu hai mắt của trẻ không thẳng hàng khi nhìn tập trung về một phía. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nhắm một mắt thường xuyên để nhìn cho rõ hơn, hoặc nghiêng đầu để hai mắt được thẳng hàng. Các bậc phụ huynh nên lưu ý tất cả những biểu hiện lạ ở mắt của con trẻ.
Làm thế nào để ngăn ngừa sự phát triển của lác mắt?
Tình trạng Lác mắt có thể được xử lí bằng can thiệp y khoa. Trong một vài trường hợp nhẹ, trẻ có thể chỉ cần đeo kính và luyện tập các cơ ở mắt. Trong một số trường hợp khác, phẫu thuật sớm là cần thiết. Đôi khi, lác mắt có liên quan đến các vấn đề ở mắt hay ở não.
Điều trị lác mắt bao gồm:
Chỉnh quang: là quá trình điều chỉnh tật khúc xạ như cho trẻ đeo kính đúng số.
Chỉnh lệch trục nhãn cầu: việc điều trị nội khoa này mất rất nhiều thời gian và công sức. Đại đa số các trường hợp lác mắt cần đến phẫu thuật điều chỉnh lệch trục nhãn cầu.
Những tình trạng như lác trong, lác ngoài, lác trên, lác dưới nếu rõ sẽ dễ nhận dạng ở trẻ hoặc người lớn. Tuy nhiên có một số trường hợp lác rất khó nhận biết. Để nhận biết chính xác lác ở trẻ em tương đối khó khăn, cần phối hợp nhiều biện pháp theo dõi và đo khám kĩ lưỡng ở các trung tâm nhãn khoa uy tín.