(Tiếng Việt) 10 Thói Quen Gây Hại Cho Mắt Nên Thay Đổi Ngay Hôm Nay

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt. For the sake of viewer convenience, the content is shown below in the alternative language. You may click the link to switch the active language.

Trong thời đại công nghệ số, đôi mắt của chúng ta phải đối mặt với nhiều áp lực hơn bao giờ hết. Việc sử dụng các thiết bị điện tử, tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian dài… đang dần trở thành những thói quen hằng ngày. Tuy nhiên, ít ai biết rằng những thói quen tưởng chừng vô hại này lại đang âm thầm gây hại cho đôi mắt của bạn. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận biết và thay đổi 10 thói quen xấu, giúp bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh.

 

Sử dụng thiết bị điện tử quá thường xuyên

Việc sử dụng máy tính, điện thoại,… quá thường xuyên trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ cận thị ở người trẻ, gây mỏi mắt ở mọi lứa tuổi. Thêm vào đó, ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị điện tử sẽ gây mỏi, khô mắt và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng.

Cách khắc phục:

  • Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử.
  • Điều chỉnh độ sáng màn hình ở mức vừa phải.
  • Nhắm mắt nghỉ ngơi 5-10 phút sau mỗi 30 phút làm việc với máy tính.

Không đeo kính râm khi ra ngoài

Tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể gây tổn hại trực tiếp cho võng mạc, tăng nguy cơ đục thủy tinh thể. Việc mắt tiếp xúc quá lâu với tia tử ngoại có thể dẫn đến viêm giác mạc do biểu mô giác mạc bị tổn thương.

Cách khắc phục:

  • Luôn đeo kính râm có khả năng chống tia UV khi ra ngoài, kể cả trong những ngày nhiều mây.

Thói quen dụi mắt

Khi xuất hiện các triệu chứng như ngứa mắt, có vật thể lạ bay vào mắt,… chúng ta thường có thói quen dụi mắt để làm dịu bớt cảm giác khó chịu. Đặc biệt với những bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, thói quen này xảy ra thường xuyên hơn do mắt hay bị ngứa, đỏ và chảy nước mắt. Việc dụi mắt thường xuyên có thể làm trầy xước giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, dụi mắt còn làm tăng nguy cơ bị giác mạc chóp.

Cách khắc phục:

  • Rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt.
  • Nếu mắt có dị vật, hãy chớp mắt nhiều lần hoặc sử dụng nước mắt nhân tạo.

Ngủ không đủ giấc

Thiếu ngủ là thói quen xấu làm tổn hại đến mắt. Nó là nguyên nhân khiến mắt bạn không có tuần hoàn chất lỏng cần thiết, dẫn đến bọng mắt, sưng mắt và tầm nhìn không tập trung. Bên cạnh đó, thiếu ngủ còn gây co giật mắt, các mạch mắt bị sưng tấy và một tình trạng hiếm gặp được gọi là bệnh lý thần kinh thị giác.

Cách khắc phục:

  • Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
  • Tạo một không gian ngủ thoải mái, tránh ánh sáng quá mạnh.

Đọc sách trong điều kiện ánh sáng yếu

Việc đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng sẽ khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây mỏi mắt và nhức đầu. Đây là thói quen gây hại cho mắt thường gặp ở lứa tuổi học đường.

Cách khắc phục:

  • Đọc sách trong điều kiện ánh sáng đầy đủ.
  • Chọn đèn đọc sách có ánh sáng dịu nhẹ.

Không giữ gìn vệ sinh mắt

Không tẩy trang mắt khi sử dụng các sản phẩm trang điểm như mascara, kem nền, phấn mắt,… sẽ khiến bụi bẩn, vi khuẩn dễ dàng thâm nhập vào mắt và gây ra các bệnh như viêm bờ mi, lão hóa vùng da quanh mắt, lẹo mắt,…

Cách khắc phục:

  • Rửa tay sạch trước khi chạm vào mắt.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mắt hàng ngày.
  • Nếu bạn trang điểm mắt, hãy dành 5-10 phút mỗi tối để vệ sinh mắt sạch sẽ bằng các sản phẩm tẩy trang dịu nhẹ.

Chế độ ăn uống không lành mạnh

Khi uống bia rượu nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ cơ thể, đồng thời gây kích ứng cho mắt như giảm thị lực, khô mắt, đỏ mắt do xuất huyết kết mạc.

Ngoài ra, thiếu vitamin A, C, E có thể làm giảm thị lực và tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt.

Cách khắc phục:

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt.

Không khám mắt định kỳ

Nhiều người thường cho rằng khám mắt định kỳ là tốn kém và không cần thiết. Tuy nhiên, việc không khám mắt thường xuyên sẽ khiến người bệnh bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm các bệnh lý về mắt (đục thủy tinh thể, bong võng mạc, glôcôm,…), điều chỉnh độ cận kính phù hợp với thị lực mắt giúp kiểm soát tiến triển của tật khúc xạ.

Tần suất khám mắt định kỳ được các chuyên gia khuyến khích với từng độ tuổi:

  • Tuổi vị thành niên (6 – 17 tuổi): Ít nhất 6 tháng/lần.
  • Người trưởng thành (18 tuổi trở lên): Ít nhất 1 năm/lần.
  • Người có bệnh lý về mắt cần thăm khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, duy trì tái khám tối thiểu 1 năm/lần kể cả khi đã điều trị bệnh thành công.

Lạm dụng thuốc nhỏ mắt

Việc lạm dụng thuốc nhỏ mắt có thể gây ra tình trạng giãn mạch máu ở mắt khi tác dụng của thuốc giảm đi, tạo ra thành vòng luẩn quẩn: đỏ mắt, nhỏ thuốc, mắt càng đỏ và lại càng phải nhỏ thuốc.

Cách khắc phục:

  • Chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ.

Tiếp xúc với khói bụi, hóa chất

Khói bụi, hóa chất có thể gây kích ứng mắt, thậm chí làm tổn thương giác mạc.

Cách khắc phục:

  • Bảo vệ mắt bằng kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nhiều bụi bẩn, hóa chất.

 

Việc bảo vệ đôi mắt là vô cùng quan trọng, hãy loại bỏ những thói quen gây hại cho mắt để bảo vệ đôi mắt của bạn ngay từ hôm nay! Hy vọng rằng những thông tin bên trên sẽ giúp ích cho bạn.

Đừng quên truy cập vào website của Bệnh viện Mắt Quốc tế DND để cập nhật thêm nhiều thông tin thú vị về mắt nhé!

5/5 - (2 votes)