Sáng ngày 23/5, “Ngày hội sức khoẻ học đường” đã diễn ra trong không khí náo nhiệt tại trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Sau bao ngày chờ đợi, chương trình Ngày hội sức khoẻ học đường đã tiếp tục cuộc hành trình bảo vệ “đôi mắt khoẻ, nụ cười xinh” và điểm đến hôm nay chính là trường THCS Tô Hoàng (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chương trình được tổ chức bởi báo Thiếu Niên Tiền Phong phối hợp với trường THCS Tô Hoàng cùng Bệnh viện Mắt Quốc tế DND, Nha khoa & Da thẩm mỹ quốc tế DND.
Phát biểu tại chương trình, cô Hoàng Thị Thanh (Phó Hiệu trưởng trường THCS Tô Hoàng) cho biết: “Phần lớn các em học sinh đang bị mất cân bằng giữa việc học tập và các hoạt động giải trí ngoài trời. Việc thường xuyên nhìn gần trong khoảng thời gian dài và sử dụng các thiết bị công nghệ,… đã dẫn tới tình trạng thị lực ngày một suy yếu. Nhiều bạn cũng chưa có biện pháp bảo vệ răng lợi khoa học nên mắc thêm các bệnh về răng. Những vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ cũng như việc học tập của các bạn học sinh”.
Tham dự ngày hội, các bạn học sinh được đoàn chuyên gia khám, chẩn đoán, tư vấn miễn phí các bệnh về mắt và răng. Từ đây, các bác sĩ cũng đưa ra nhiều lời khen ý thức bảo vệ sức khoẻ của các bạn học sinh trường THCS Tô Hoàng.
Theo bác sĩ Nguyễn Kim Quân (Chuyên khoa Khúc xạ – Lasik, Bệnh viện mắt quốc tế DND), tỉ lệ mắc các tật khúc xạ học đường là 30 – 40% như trước đây đưa ra chưa phải là con số chính xác. Thực tế sau buổi khám hôm nay thì con số này phải lên tới 60 – 70% và thậm chí là hơn thế nữa.
“Nguyên nhân là do nhiều bậc phụ huynh còn chủ quan về tình trạng mắc tật khúc xạ của con em mình như: khám qua loa, không đeo kính hoặc sử dụng một số phương pháp điều trị mang tính truyền miệng,… mà không hề hiểu rõ về tật khúc xạ nên vô tình làm cho tình trạng của các con ngày một nặng hơn.
Các bạn học sinh ở đây tuân thủ đeo kính cao hơn so với những điểm trường khác nên tỉ lệ bị biến chứng do tật khúc xạ thấp. Tuy nhiên, một số bạn bị tật khúc xạ cao phải đặc biệt quan tâm đến những biến chứng liên quan đến phần đáy mắt, đó là phần đóng góp chính cho việc giữ được thị lực tốt cho các bạn. Độ tuổi THCS cũng đã tương đối lớn để điều trị hiểu quả nên các bạn học sinh cũng như các bậc phụ huynh nên quan tâm hơn tới điều này”, bác sĩ Nguyễn Kim Quân cho biết.
Bạn Phạm Huyền Trang (Lớp 6E) chia sẻ: “Mình cảm thấy chương trình rất thú vị và bổ ích. Mình được chẩn đoán là mắc tật khúc xạ và các bác sĩ đã tư vấn rằng mình nên đi khám định kỳ. Thông qua chương trình, mình nghĩ là các bạn học sinh nên quan tâm nhiều hơn đến sức khoẻ của bản thân vì mình có khoẻ mạnh thì mới có thể học tập tốt được”.
So sánh với các điểm trường trước đó, bác sĩ Trần Thị Nhung (Chuyên khoa Răng – Hàm – Mặt) nhận định: “Các bạn học sinh ở đây có ý thức chăm sóc răng miệng tốt hơn, tỉ lệ sâu răng thấp hơn. Các bạn biết phải đánh răng 2 lần/ngày, sử dụng chỉ tơ và bàn chải kẽ, bàn chải mềm, lấy cao răng và khám răng định kỳ 6 tháng/ lần. Chỉ có một vấn đề còn tồn tại đó là phương pháp vệ sinh răng miệng chưa được tốt nên vẫn còn tình trạng cao răng và viêm lợi nhiều”.
Ngày hội sức khoẻ học đường là một chương trình bổ ích dành được sự quan tâm cũng như nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía giáo viên và học sinh trong trường. Các bạn rất hào hứng vì thái độ tận tâm, nhiệt tình của các bác sĩ cũng như những hoạt động vui vẻ trong suốt ngày hội.
Giữ đúng tiêu chí của một ngày hội, chương trình đã tạo nên không khí vui tươi, náo nhiệt thông qua trò chơi hỏi – đáp hấp dẫn. Những thông tin liên quan đến các về mắt và răng tiếp cận với các bạn một cách gần gũi hơn, hiệu quả hơn. Các bạn học sinh có thể nêu lên hiểu biết của mình bằng cách trả lời câu hỏi và sau đó các chuyên gia sẽ đưa ra đáp án chính xác nhất.