Chúng ta thấy các cụ già thường hay phải đeo kính lão, đặc biệt là khi đọc báo hay xem TV. Vậy có bao giờ bạn thắc mắc tại sao người già thường phải đeo kính lão? Bạn hiểu lão thị và viễn thị là gì? Đọc ngay bài viết dưới đây để tìm được lời giải đáp.
Vì sao người già phải đeo kính lão, tác dụng của kính lão
Theo quy luật của tự nhiên, khi con người bước vào một độ tuổi nhất định (khoảng sau 40 tuổi), thủy tinh thể của mắt sẽ có thể bị lão hóa. Điều này làm cho mắt mất khả năng điều tiết dẫn đến việc nhìn vật ở gần bị mờ. Khi đó, sử dụng kính lão hay còn gọi là kính hội tụ sẽ giúp kéo ảnh của vật từ phía sau về đúng màng lưới để mắt nhìn rõ vật.
Kính lão giúp người bị lão thị điều tiết mắt tốt hơn để có thể nhìn rõ được vật ở gần
Lão thị là gì?
Khi con người chúng ta bước vào giai đoạn lão hóa, thủy tinh thể cũng bị xơ cứng, giảm sự đàn hồi. Do đó, lão thị thường xuất hiện ở giai đoạn này và có thể nhận thấy rằng, càng nhiều tuổi thì tật lão thị càng trở nên nặng hơn.
Lão thị là gì ?
Một số dấu hiệu nhận biết người bị lão thị: Không nhìn thấy rõ các vật ở gần, các vật có kích thước nhỏ (chữ trên điện thoại, sách báo, TV,…) Đặc biệt trong điều kiện ánh sáng yếu, thị lực của người bị lão thị càng giảm. Ngoài ra, họ cũng thường có thói quen nheo mắt, đưa vật ra xa để có thể nhìn rõ hơn. Tuy nhiên, việc này thường kéo theo tình trạng mỏi mắt, chảy nước mắt, nhức đầu.
Lão thị và viễn thị khác nhau ở điểm nào?
Nhiều người thường lầm tưởng lão thị và viễn thị là một. Trên thực tế, lão thị và viễn thị cùng giống nhau ở điểm đó là nhìn gần không rõ, đều có thể được điều trị bằng cách đeo các loại kính hội tụ hoặc phẫu thuật.
Tuy nhiên, lão thị liên quan đến quá trình lão hoá tự nhiên của cơ thể (thường xảy ra ở người trên 40 tuổi) khiến mắt giảm sút khả năng điều tiết, khả năng tập trung vào vật thể. Còn viễn thị lại là một tật khúc xạ do sự sai lệch về khúc xạ ánh sáng, tạo ra bởi sự mất cân bằng về tỉ lệ giữa chiều dài nhãn cầu và thuỷ tinh thể. Do đó, nhiều độ tuổi khác nhau có thể mắc viễn thị. Ngoài ra, còn một điểm khác nhau giữa lão thị và viễn thị đó là cho dù nhìn xa hay nhìn gần, người bị tật viễn thị luôn phải điều tiết mắt, trong khi người bị lão thị khi nhìn xa không cần phải điều tiết mắt, nhìn gần mới phải điều tiết mắt.
Cách chọn kính lão phù hợp cho người già
Hiện nay trên thị trường có 3 loại kính lão dành cho người lớn tuổi. Mỗi loại kính đều có những ưu nhược điểm khác nhau. Phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng hoặc tính chất công việc mà người bị lão thị có thể lựa chọn loại kính phù hợp nhất với mình.
Nên lựa chọn loại kính lão phù hợp với nhu cầu sử dụng của bản thân
- Kính nguyên tròng: Đây là loại kính phổ biến nhất, phù hợp với người lão thị cần có tầm nhìn gần rộng khi làm việc hoặc những ai chỉ có nhu cầu sử dụng kính khi nhìn gần. Kính có ưu điểm là giá thành rẻ, cung cấp thị trường rộng khi nhìn gần. Tuy nhiên, nhược điểm là khi muốn nhìn xa phải tháo kính.
- Kính 2 tròng: Ngược lại với kính nguyên tròng, kính 2 tròng có thể giúp người dùng thoải mái thay đổi tầm nhìn xa gần liên tục mà không cần tháo kính. Khuyết điểm của loại kính này là có hiện tượng nhảy khi đột nhiên thay đổi tầm nhìn xa gần, song thị khi nhìn ở ranh giới của 2 tròng và thị trường khi nhìn gần hẹp hơn.
- Kính đa tròng: Giống như kính 2 tròng, kính đa tròng cũng phù hợp với những người cần thay đổi tầm nhìn xa gần liên tục. Điểm khác biệt đó chính là không có hiện tượng nhảy ảnh và song thị, thị trường khi nhìn gần rộng hơn kính 2 tròng, hình ảnh qua kính cũng rõ hơn. Khuyết điểm duy nhất là giá thành tương đối cao.
Bài viết trên đã giải thích lý do vì sao người già thường phải đeo kính lão cũng như cung cấp các thông tin liên quan đến lão thị, viễn thị và cách chọn loại kính lão phù hợp. Để được thăm khám, tư vấn và cắt kính, Quý bệnh nhân xin vui lòng liên hệ:
CS1: 128 Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
CS2: Đường Bàng Bá Lân, P. Dĩnh Kế, TP. Bắc Giang.
CS3: 250 Trường Chinh, P. Tân Bình, TP. Hải Dương.
Hotline: 0969.128.128 – 0968.11.55.88
Tổng đài CSKH: 1900.6966
———————–
Nguồn tham khảo:
https://www.webmd.com/connect-to-care/lasik/difference-between-presbyopia-and-hyperopia