Trẻ nhược thị vì chữa tật khúc xạ bằng thiền, tập yoga

Với những trẻ bị tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thì được đeo kính thuốc có số đo phù hợp để điều chỉnh. Tuy nhiên hiện nay nhiều phụ huynh nghe theo những lời quảng cáo trên mạng đã cho con bỏ kính để tập thiền, yoga, bấm huyệt…

 Hậu quả độ khúc xạ của trẻ bị tăng, thậm chí trẻ bị nhược thị do mắt phải tự điều tiết quá nhiều – bác sĩ Nguyễn Đăng Dũng, GĐ BV Mắt quốc tế DND cảnh báo.

Câu chuyện của bé Hương Linh* 7 tuổi ở Hà Nội là một sự việc đáng tiếc và sẽ khiến bố mẹ bé luôn day dứt. Bé Linh bị tật khúc xạ, đang đeo kính cận 1,5 diop. Bố mẹ bé đọc thông tin trên mạng thấy giới thiệu địa chỉ luyện tập mắt bằng các phương pháp tự nhiên như bấm huyệt, tập yoga liền tin tưởng luôn.

Với mong muốn con sẽ nhanh chóng thoát khỏi cặp kính, bố mẹ đã đưa bé Hương Linh tới địa chỉ của trung tâm. Sau 6 tháng tập luyện và không đeo kính cận, bé Linh tới BV khám lại thì mắt đã tăng từ 1,5 diop lên 4,5 diop. Bố mẹ bé Linh hốt hoảng nhờ bác sĩ cấp đơn kính mới cho bé.

Tuy nhiên, bé không thể thích nghi với số kính mới, vì vậy, bác sĩ đã phải chỉnh kính tăng dần để bé có thời gian thích nghi, bác sỹ Dũng cho biết.

bs kham

Bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng, GĐ BV Mắt Quốc tế DND cảnh báo: Nếu sẽ bị nhược thị sâu sẽ không có khả năng phục hồi thị lực.

Theo bác sỹ Dũng, tại BV Mắt quốc tế DND đã gặp rất nhiều trường hợp bố mẹ không cho con đeo kính khi trẻ bị tật khúc xạ, mà thay vào đó, dùng phương pháp điều trị bằng đắp thuốc và bấm huyệt.  

Bé Nguyễn Trường Ninh*, 12 tuổi ở Hà Nội đã tới khám và được cấp đơn kính cận 3,5 diop, trước đó độ cận của bé Ninh chỉ là 2,5 diop. Theo lời mẹ bé Ninh, có con bị cận thị nên chỉ mong sao con thoát được cảnh suốt ngày kè kè cặp kính. Từ tâm lý ấy nên khi nghe bạn bè giới thiệu về các phương pháp tập luyện mắt không cần đeo kính, chị đã rất hứng thú.

Chị đã đưa bé Ninh tới một trung tâm luyện tập mắt để chữa cận thị. Trung tâm này yêu cầu bé Ninh không đeo kính nữa mà thay vào đó là luyện tập tại trung tâm mỗi ngày từ 2-3 tiếng. Sau 2 tháng, thấy con không đỡ mà thường xuyên kêu mắt nhìn mờ hơn, bố mẹ đã đưa bé Ninh đến BV khám lại thì độ khúc xạ của cháu đã tăng thêm 1 độ, đồng thời chỉnh kính tối đa thị lực chỉ đạt 7/10, bác sỹ Dũng dẫn chứng.

Lý giải về nguyên nhân khiến trẻ bị tăng độ sau khi bỏ kính, bác sỹ Nguyễn Đăng Dũng cho rằng, do một thời gian dài trẻ không được đeo kính, mắt phải điều tiết nhiều hơn. Hậu quả của việc trẻ mắc tật khúc xạ mà không được đeo kính đúng số sẽ dẫn tới độ khúc xạ tăng nhanh. Không những vậy, một thời gian dài không đeo kính sẽ khiến các bé khó làm quen, thích nghi với số kính mới. Không đeo kính để càng lâu, độ cận của trẻ càng tăng nhanh hơn, có những bé tăng tới 2-3 độ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều chị em văn phòng sau khi đi bấm huyệt, xoa bóp, đắp thuốc cận thị không khỏi mà còn bị tăng độ thêm.

“Việc đeo kính đúng số với những bệnh nhân mắc tật khúc xạ, đặc biệt là trẻ em vô cùng quan trọng, bởi đeo kính đúng số sẽ giúp trẻ không phải điều tiết mắt quá nhiều, tránh tăng độ khúc xạ và tránh những biến chứng đáng tiếc do tật khúc xạ gây nên như nhược thị, lác…”, bác sỹ Dũng nói.

Trên mỗi bệnh nhân với từng loại tật khúc xạ khác nhau sẽ có những đặc điểm riêng. Đặc biệt đối với những trường hợp có độ khúc xạ cao (cận thị, viễn thị, loạn thị cao), những bệnh nhân có lệch khúc xạ trên 2 diop giữa hai mắt, hoặc có tật khúc xạ chỉ ở 1 bên mắt rất dễ mắc tình trạng nhược thị. Nhiều bệnh nhân bị nhược thị do mắc tật khúc xạ mà không đeo kính, đeo kính không đúng độ cận hoặc được khám xác định độ khúc xạ muộn. Cũng có những trường hợp vô tình đi khám thì mới được chẩn đoán có tật khúc xạ ở 1 bên mắt và mắt đó đã bị nhược thị, thậm chí nhược thị sâu.

Đối với phương pháp thiền, tập yoga… chữa tật khúc xạ, bác sỹ Dũng khẳng định: Trên thế giới có nhiều phương pháp điều trị tật khúc xạ tự nhiên như yoga, bấm huyệt, đắp thuốc, đeo kính lỗ… Tuy nhiên chưa có minh chứng khoa học có quy mô và đáng tin cậy nào nhận định rằng bệnh nhân có thể đạt thị thực 10/10 trở lại sau những phương pháp này. Việc tập luyện chỉ là một phương pháp hỗ trợ trong điều trị và quan trọng nhất vẫn là bệnh nhân được chỉnh một cặp kính đúng số và tập luyện đúng cách cho từng loại tật khúc xạ.  

Về một số trường hợp đã khỏi cận thị sau khi bấm huyệt, xoa bóp… có thể nói những trường hợp đó thường rơi vào số bị “cận thị giả”. Ví dụ, chúng ta phải làm việc liên tục hàng tuần với máy tính, những em bé sắp tới mùa thi phải học với cường độ cao dễ gây ra tình trạng này. Tức là, tại một thời điểm nhất thời mắt phải điều tiết liên tục nên tầm nhìn thị lực giảm. Nhưng nếu để mắt được nghỉ ngơi, mắt có thể tự trở lại bình thường.

 “Sẽ thật sai lầm nếu những trẻ có tật khúc xạ như cận, viễn, loạn thị mà bắt các con bỏ kính để tập yoga hay bấm huyệt… Trên thực tế chúng tôi đã khám khá nhiều trường hợp sau khi bỏ kính và đi tập một thời gian, độ khúc xạ bị tăng lên kèm theo gây ra nhược thị. Đó thực sự là điều đáng tiếc cho các bố mẹ không tìm hiểu cặn kẽ, đầy đủ thông tin, gây ảnh hưởng tới thị lực các con. Nếu trẻ bị nhược thị sâu sẽ không có khả năng phục hồi lại được thị lực”, bác sỹ Dũng cảnh báo.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ nhãn khoa Việt Nam: Hiện nay đã xuất hiện ngày càng nhiều các trung tâm tập mắt, yoga mắt, hồi phục thị lực học đường… và đang trở thành trào lưu. Những người hướng dẫn tập luyện ở các trung tâm này không có kiến thức chuyên môn về khúc xạ, đặc biệt lĩnh vực khúc xạ nhi khoa-là một mảng rất khó ngay cả đối với các bác sĩ nhãn khoa; họ không thể khám được con bạn bị loại tật khúc xạ gì. Họ đánh vào tâm lý không muốn con đeo kính hay đeo kính sẽ “dại mắt” của phụ huynh để kiếm lời; cái giá phải trả đó chính là đôi mắt của con bạn.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Thịnh An / PL&XH

4/5 - (2 votes)