THUỐC LÁ CÓ TÁC HẠI NHƯ THẾ NÀO ĐỐI VỚI CƠ THỂ CON NGƯỜI?

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá gây tử vong cho hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong số đó, hơn 7 triệu người chết do sử dụng thuốc lá trực tiếp, còn khoảng 1,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với khói thuốc thụ động dù không hút thuốc.

Tại sao hút thuốc lá rất có hại?

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm nghiêm trọng thêm các vấn đề về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng do WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020, những người hút thuốc có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến COVID-19 hơn so với những người không hút thuốc.

Khói thuốc lá chứa hơn 5.000 thành phần hóa học, trong đó hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là một số hóa chất chủ yếu có trong khói thuốc:

  • 1,3-Butadiene: Được sử dụng trong sản xuất cao su, 1,3-Butadiene được coi là chất gây ung thư và có thể gây ra các bệnh ung thư máu.
  • Arsenic: Dùng để bảo quản gỗ, một số hợp chất arsenic liên quan đến ung thư phổi, da, gan và bàng quang.
  • Benzene: Sử dụng trong sản xuất các hóa chất khác, benzene có thể gây ung thư, đặc biệt là bệnh bạch cầu.
  • Cadmium: Kim loại được dùng trong sản xuất pin, cadmium và các hợp chất của nó có thể gây ung thư phổi, cũng như liên quan đến ung thư thận và tuyến tiền liệt.
  • Chromium VI: Dùng trong chế tạo kim loại hợp kim, sơn và thuốc nhuộm, các hợp chất Chromium VI gây ung thư phổi và có liên quan đến ung thư mũi và xoang mũi.
  • Formaldehyde: Sử dụng trong sản xuất hóa chất khác và nhựa, cũng như làm chất bảo quản, formaldehyde gây bệnh bạch cầu và ung thư ở các mô hô hấp.
  • Polonium-210: Một nguyên tố phóng xạ đã được chứng minh là gây ung thư ở động vật.
  • Tar: Tạo ra từ một số hóa chất trong khói thuốc lá, tar để lại dư lượng màu nâu, dính trên phổi, răng và mô.

 

Hút thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Hút thuốc lá có thể gây ung thư ở mọi cơ quan trong cơ thể, bao gồm phổi, bàng quang, máu, cổ tử cung, đại tràng, thực quản, thận, vòm họng, gan, tụy và dạ dày.

Ngoài ra, hút thuốc còn gây ra các vấn đề sức khỏe như:

  • Bệnh tim mạch
  • Đột quỵ
  • Các bệnh phổi, chẳng hạn như khí phế thũng và viêm phế quản

Người hút thuốc có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sau:

  • Mắc bệnh lao
  • Mắc bệnh cảm và cúm
  • Vàng răng, các bệnh về lợi (nướu) và sâu răng
  • Phát triển nhiều nếp nhăn
  • Mắc bệnh loãng xương
  • Khó thụ thai
  • Mắc bệnh đục thủy tinh thể
  • Mắc bệnh bất lực
  • Mắc bệnh tiểu đường

Các nguy hại của việc hút thuốc lá đối với phụ nữ mang thai?

Hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho em bé, bao gồm:

  • Sự phát triển chậm: Em bé có thể bị nhẹ cân khi sinh ra do khói thuốc làm chậm sự phát triển của thai nhi.
  • Sinh non: Em bé có thể được sinh ra quá sớm, và trẻ sinh non thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe.
  • Tổn hại phổi và não: Hút thuốc có thể làm tổn hại sự phát triển của phổi và não của em bé.
  • Dị tật bẩm sinh: Hút thuốc làm tăng nguy cơ em bé bị dị tật bẩm sinh.
  • Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh: Em bé của bà mẹ hút thuốc trong khi mang thai và trẻ sơ sinh tiếp xúc với khói thuốc sau sinh có nguy cơ cao bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Có loại thuốc lá nào an toàn hơn không?

Câu trả lời là không.

  • Thuốc lá loại nhẹ: Loại thuốc lá này không an toàn hơn so với thuốc lá thông thường.
  • Thuốc lá điện tử: Thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư cao hơn gấp 15 lần so với thuốc lá điếu.
  • Thuốc lá không có chất phụ gia: Thuốc lá có nhãn “không có chất phụ gia” hoặc “tự nhiên” vẫn chứa các thành phần gây ung thư tương tự như thuốc lá thông thường.
  • Thuốc lá có đầu lọc: Đầu lọc không ngăn được tất cả các hóa chất độc hại trong thuốc lá.
  • Thuốc lào: Thuốc lào cũng độc hại như thuốc lá điếu.

Tất cả các loại thuốc lá đều có hại, và bất kỳ sự tiếp xúc nào với khói thuốc đều có thể gây tổn hại cho cơ thể. Không có mức độ an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc lá, và không có loại thuốc lá nào là an toàn.

Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động có nguy hiểm không?

Người hút thuốc không phải là người duy nhất bị ảnh hưởng bởi khói thuốc. Khói và hơi thuốc lá là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe của người không hút thuốc, đặc biệt là trẻ em. Người không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc có nguy cơ cao mắc bệnh tim và ung thư phổi, đặc biệt là nếu họ đã có các vấn đề về huyết áp hoặc cholesterol. Hút thuốc thụ động góp phần gây ra hàng ngàn ca tử vong sớm do bệnh tim và ung thư phổi. Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh tim ở những người tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà hoặc nơi làm việc cao hơn khoảng 25-30%. Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật ở trẻ em, khiến chúng dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn so với trẻ em sinh ra từ người không hút thuốc.

Hy vọng rằng những thông tin từ Bệnh viện Mắt Quốc tế DND đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ con người. Đừng quên truy cập vào website để cập nhật thêm nhiều thông tin khác nhé!

 

Rate this post