Ngày 28/09/2017, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND đồng hành với báo Thiếu niên Tiền Phong tổ chức chương trình “Mắt sáng tới trường”, khám và Tư vấn mắt miễn phí cho hơn 800 em học sinh tại điểm trường THCS Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Thông qua buổi khám sàng lọc, các bác sĩ tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND nhận thấy rằng, có quá nửa các em học sinh bi cận nhưng không biết, không đeo kính, hoặc đeo kính không đúng số, ảnh hưởng lớn tới chất lượng thị giác và kết quả học tập.
Chương trình “Mắt sáng tới trường” do Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp với Bệnh viện Mắt Quốc tế DND tại trường THCS Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Bạn Chu Thị Tuệ My, lớp 6A3 chia sẻ: “2,3 tháng gần đây, em xem tivi bắt đầu có hiện tượng nhìn mờ, nhưng không dám nói với bố mẹ, ban đầu em nghĩ rằng do mình ngồi xa nên nhìn không rõ, nhưng mắt ngày càng mờ hơn, hôm nay được các bác sĩ khám mới biết mắt em nhìn kém, thị lực không tốt.
Hay như bạn Nguyễn Khắc Việt, bị cận đeo kính đã lâu, nhưng thị lực có kính của bạn cũng không được tốt, Việt cho biết bố mẹ thường đưa bạn đi cắt kính ở những cửa hàng kính gần nhà cho tiện, không tới các bệnh viện Mắt khám vì ở quá xa. Tuy nhiên, mặc dù đeo kính cận rồi nhưng Việt nhìn xa vẫn bị mờ.
Cá biệt, trường hợp bạn Nguyệt Minh, lớp 7A5 thị lực kém, đã đi cắt kính nhưng không đeo kính mà dùng phương pháp châm cứu để chữa trị. Sau một thời gian khám lại, hiện tại thị lực của Minh chỉ đạt khoảng 4/10.
Ths, Bs Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa khúc xạ, Bệnh viện Mắt Quốc tế DND chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng các bạn học sinh đeo kính không đúng số, do tại nhiều cửa hàng kính, người bán hàng dù không có chuyên môn vẫn tự dùng máy điện tử đo thị lực cho khách, rồi bán kính theo kết quả đó mà không theo quy trình chuẩn. Nếu chỉ kiểm tra bằng máy đo khúc xạ thì chưa đủ, mà cần nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt để xác định chính xác. Việc nhỏ thuốc mất thời gian chờ đợi nên nhiều điểm bán kính bỏ qua công đoạn này. Thế nên, có những trẻ đã được kê đơn kính thuốc bị cận thị nhưng khi đến bệnh viện khám đúng quy trình thì lại không cận thị (chuyên môn gọi là cận thị giả), không phải đeo kính mà chỉ cần có chế độ dùng thuốc, chăm sóc mắt đúng, mắt sẽ được hồi phục.
Kết quả việc đeo kính không đúng, kể cả trong thời gian ngắn, cũng làm trẻ nhức mỏi mắt, nhức đầu, buồn nôn, học tập không tập trung, kết quả kém… Nếu kéo dài, tình trạng này có thể nặng lên hoặc dẫn đến bệnh khác hoặc nguy hiểm. hơn là nhược thị, mất thị lực không thể hồi phục.
Nhiều bạn học sinh tại trường THCS Minh Khai mắc TKX
Nếu trẻ đã mắc TKX, các bậc phụ huynh lưu ý nên sử dụng biện pháp giúp con khắc phục tình trạng cận thị như đeo kính đúng số, đảm bảo tái khám định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt uy tín để hạn chế tối đa việc tăng độ khúc xạ ở trẻ.
Ths.BS Phạm thị Hẳng cũng cho biết: “Sau 18 tuổi, nếu độ cận ổn định, phụ huynh có thể tham khảo các phương pháp phẫu thuật hiện đại bằng Laser, có thời gian điều trị nhanh, an toàn, không đau, không chảy máu, rất nhẹ nhàng và mang lại kết quả tối ưu nhất dành cho bệnh nhân. Ngoài ra, so với các phương pháp cải thiện tật khúc xạ khác, phẫu thuật khúc xạ có lợi về mặt kinh tế vì bệnh nhân chỉ phải chi trả một lần cho phẫu thuật. Phương pháp này giúp nhiều người bớt được chi phí lâu dài vào kính mắt suốt đời.
Các bậc phụ huynh có thể thực hiện các bước dưới đây nhằm hạn chế nguy cơ mắc tật khúc xạ ở trẻ: Tư thế ngồi học đúng, đầu và thân được giữ thẳng, hai vai hơi mở ra phía sau, chân để thõng vuông góc với mặt sàn, hai cẳng tay đặt lên bàn. Chiều cao của bàn phù hợp với chiều cao của trẻ. Khoảng cách từ mắt đến mặt bàn từ 30cm trở lên. Học tập và sinh hoạt trong điều kiện ánh sáng hợp lý. Nên sử dụng ánh đèn vàng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, bàn học nên quay ra cửa sổ. Khoảng cách ngồi xem tivi tối thiểu là 4m, ngoài ra cần được tư vấn cụ thể với mỗi loại kích thước tivi. Khi mắt phải làm việc nhiều, khoảng ba mươi phút hoặc một giờ, trẻ nên nghỉ ngơi và thư giãn mắt, duy trì 3 giây/chớp mắt 1 lần.