Tìm hiểu chung về khô mắt

Theo thống kê, có 60% nhân viên văn phòng mắc các bệnh về mắt, phần lớn là khô mắt. Tình trạng khô mắt kéo dài lâu có thể dẫn tới viêm nhiễm nhãn cầu, gây ra các triệu chứng khó chịu ở mắt. Ngược lại, nhiễm trùng cũng có thể dẫn tới tình trạng khô mắt.

1) Khô mắt là gì?

Nước mắt có công dụng làm ẩm giác mạc, bôi trơn mi mắt đồng thời giúp ức chế sự phát triển của vi trùng. Khi quá ít nước mắt,  mắt bị khô do thiểu độ ẩm. Có 2 trường hợp:
– Tuyến lệ bị rối loạn và không tiết đủ nước mắt.
– Tuyến meibomian (tiết dầu bôi trơn mắt) bị viêm khiến nước mắt bay hơi quá nhanh.
Nếu không được điều trị, tình trạng khô mắt có thể dẫn tới đau nhức, hình thành u hoặc sẹo trên giác mạc. Khô mắt gây bất tiện trong nhiều hoạt động, như sử dụng máy tính, nghiên cứu và đọc sách… Tuy rất hiếm, nhưng đôi khi tình trạng khô mắt có thể dẫn tới mất thị lực.

Khô mắt có thể là một biểu hiện của những tình trạng hoặc bệnh nghiêm trọng hơn

Khô mắt có thể là một biểu hiện của những tình trạng hoặc bệnh nghiêm trọng hơn

2) Biểu hiện

– Dễ mỏi mắt, mí mắt nặng nề.
– Không thể ra nước mắt hoặc ra ít kể cả khi bị kích động
– Thường xuyên thấy cộm như có gì vướng trong mắt.
– Mắt có cảm giác khô nóng, ngứa, đỏ nhức…
– Khi nhìn dễ bị lóa và có lúc bị mờ.
– Giảm khả năng đọc sách, nhìn màn hình hay những việc đòi hỏi tập trung thị lực.

3) Nguyên nhân

– Do tuổi cao khiến tuyến lệ kém điều tiết
– Mắt bị khô cũng có thể là hiệu ứng phụ của một số loại thuốc kê đơn như thuốc kháng histamin, thuốc trị nghẹt mũi, thuốc an thần, một số loại thuốc huyết áp, thuốc điều trị Parkinson, thuốc tránh thai và thuốc chống trầm cảm.
– Bệnh về da hoặc dị ứng quanh vùng mắt cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới khô mắt.
– Viêm nhiễm hoặc tắc nghẽn các tuyến trong mắt như tuyến lệ, tuyến meibomian.
– Phụ nữ có bầu có thể bị khô mắt do hormone thay đổi.
– Do đeo kính sát tròng trong thời gian quá lâu.
– Do nhìn màn hình máy tính, điện thoại quá lâu mà không biết điều độ.
– Do mắt bị tổn thương sau tai nạn hoặc các bệnh khác.
– Khô mắt cũng có thể là một trong những biểu hiện của viêm màng kết mãn tính, Hội chứng Sjögren, lupus ban đỏ, viêm khớp…

4) Cách điều trị

– Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn tới khô mắt, bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị khác nhau.
– Sử dụng thuốc nhỏ mắt có độ nhờn cao nhưng trong thành phần không chứa chất bảo quản nhằm bổ sung độ ẩm, độ nhờn cho mắt.
– Hạn chế đeo kính áp tròng trong thời gian điều trị khô mắt.
– Chớp mắt thường xuyên, ăn các thức ăn giàu omega-3 rất có tác dụng tốt với mắt.
– Mát xa vùng mắt nhẹ nhàng mỗi khi mỏi mắt và sau khi đọc sách hoặc nhìn màn hình điện tử.
– Trong cách trường hợp nặng, một số bác sĩ sẽ đặt nút nhỏ bằng silicon hoặc collagen vào điểm đổ lệ (từ đó đó nước mắt chảy xuống mũi) hoặc thực hiện phẫu thuật đóng điểm đổ lệ để giữ độ ẩm cho mắt.
– Nếu khô mắt là một trong các biểu hiện của những bệnh khác nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần điều trị song song cho dứt điểm.

5/5 - (1 vote)