Cần làm gì để hạn chế nguy cơ mắc tật khúc xạ ở trẻ nhỏ?

Hiện nay, cận thị là tật ngày càng gia tăng trong nhịp sống hiện đại, đặc biệt là ở trẻ em. Có nghiên cứu công bố trên tạp chí Opthalmology của Viện Nhãn Khoa Hoa Kỳ đã ước tính là vào năm 2050, khoảng 49,8% dân số thế giới tức hơn 4 tỷ người có thể mắc tật cận thị. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cận thị cao dẫn đến thoái hóa bán phần sau nhãn cầu và mất thị lực chiếm đến gần 1 tỷ người trong số này. Tình trạng mất thị lực do cận thị cao được dự báo sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050. Cận thị có nguy cơ thành nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới.
Tình hình thị lực ở dân số Việt Nam không khả quan hơn, tỷ lệ cận thị trong giới học sinh ở nước ta hiện chiếm khoảng 30-40%. Số liệu mới nhất này cao hơn 10% số liệu cách đây 5 năm do chính bác sĩ và Bệnh viện Mắt Quốc tế DND tiến hành khám sàng lọc tại cùng một khu vực ở Hà Nội.


Tại thành phố, cá biệt ở một số trường chuyên, lớp chọn hoặc các lớp cuối cấp, số học sinh bị dị tật khúc xạ thậm chí chiếm đến 60%-70%; tỉ lệ cứ 10 em học sinh thì có tới 6 đến 7 em phải đeo kính. Nếu so sánh, trẻ em ở khu vực thành thị trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40%, tại khu vực nông thôn tỷ lệ này là từ 10% đến 15%. Điều này có nghĩa có khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao.

Còn một nguy cơ lớn khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của trẻ nhỏ là tật nhược thị. Thông tin từ một trong hai mắt bị loại bỏ khi được đưa tới não bộ, con mắt đó sẽ không hoạt động liên tục như mắt kia và suy yếu dần, hầu như không thực hiện chức năng thị giác. Do vậy, chứng nhược thị còn có tên khác là “mắt lười”.

Theo thống kê, có 6% trên tổng số trẻ mẫu giáo bị nhược thị hoặc có các biểu hiện sớm của nhược thị. Chỉ khi tiến hành khám và thực hiện các xét nghiệm bài bản trên hệ thống máy mọc hiện đại, chuyên gia mới xác đinh được chính xác tình trạng nhược thị hay “mắt lười” ở trẻ. Chính vì vậy, không nên đợi đến khi trẻ kêu không nhìn rõ thì mới đưa trẻ đi khám. Bác sĩ nhãn khoa cảnh báo bậc phụ huynh đưa con em mình đi khám nhược thị ít nhất một lần khi lên 5 tuổi để tránh các rủi ro không đáng có về sau này.

Nếu trẻ có một trong số những biểu hiện dưới đây, cha mẹ nên nghĩ đến việc trẻ đã mắc Tật khúc xạ và nhanh chóng đưa trẻ đi khám tại các trung tâm nhãn khoa uy tín.

Trẻ thường xuyên nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ khi nhìn. Khi đi học, trẻ không nhìn rõ chữ viết trên bảng hoặc đưa sách sát gần mắt để nhìn…Trẻ hay chép bài nhầm, đọc nhầm chữ. Việc thay đổi điều tiết của mắt dẫn đến trẻ dễ bị mỏi mắt, đau đầu, nhức mắt và chảy nước mắt…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến Tật khúc xạ ở trẻ nhỏ. Thứ nhất, do trẻ thường xuyên nhìn gần quá nhiều khiến mắt phải điều tiết trong thời gian dài. Trẻ học tập trong môi trường ánh sáng kém, ánh sáng xanh hoặc có thói quen đọc sách, sử dụng thiết bị nhìn không hợp lý.

Máy vi tính, TV, điện thoại di động, máy tính bảng… đều phát ra ánh sáng xanh. Đây là thứ ánh sáng gần với tia cực tím và có ở khắp mọi nơi. Tiếp xúc với lượng lớn ánh sáng xanh và trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mắt theo độ tuổi. Nếu trẻ sử dụng các thiết bị có màn hình điện tử trong thời gian dài mà không cho mắt nghỉ ngơi sẽ dễ mắc các tật khúc xạ. Thứ hai, chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin A cũng khiến mắt trẻ có thị lực yếu hơn. Thứ ba, trẻ mắc tật khúc xạ do yếu tố di truyền hoặc do cấu trúc giác mạc, thủy tinh thể bẩm sinh…

Các bậc phụ huynh có thể thực hiện các bước dưới đây nhằm hạn chế nguy cơ mắc tật khúc xạ ở trẻ:
– Tư thế ngồi học đúng, đầu và thân được giữ thẳng, hai vai hơi mở ra phía sau, chân để thõng vuông góc với mặt sàn, hai cẳng tay đặt lên bàn.
– Chiều cao của bàn phù hợp với chiều cao của trẻ. Khoảng cách từ mắt đến mặt bàn từ 30cm trở lên.
– Học tập và sinh hoạt trong điều kiện ánh sáng hợp lý. Nên sử dụng ánh đèn vàng, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, bàn học nên quay ra cửa sổ.
– Khoảng cách ngồi xem tivi tối thiểu là 4m, ngoài ra cần được tư vấn cụ thể với mỗi loại kích thước tivi.
– Khi mắt phải làm việc nhiều, khoảng ba mươi phút hoặc một giờ, trẻ nên nghỉ ngơi và thư giãn mắt, duy trì 3 giây/chớp mắt 1 lần.

1/5 - (1 vote)