Cận thị là một tật khúc xạ thường gặp, có thể dễ dàng sử dụng kính để hỗ trợ. Tuy nhiên khi độ cận thị quá cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng tìm hiểu thêm!
Các biến chứng võng mạc của cận thị cao
Tách lớp và lỗ hoàng điểm
Do bệnh nhân cận thị cao có biến đổi dài trục quá mức nên có thể dẫn tới phình giãn cực sau. Chụp OCT võng mạc cho thấy giãn cực sau trên mắt cận thị nặng là tiền đề xuất hiện của các bệnh lý hoàng điểm như tách lớp và lỗ. Tách lớp hoàng điểm cận thị là sự chia tách các lớp võng mạc vùng hoàng điểm dẫn tới nhìn mờ và méo hình. Có thể chỉ định phẫu thuật để dự phòng mất thị lực. Ở các giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân cận thị cao có thể tiến triển thành lỗ hoàng điểm có liên quan tới bong võng mạc dẫn tới mất thị lực trầm trọng. Tùy trường hợp lỗ hoàng điểm có hoặc không bong võng mạc, sẽ có các chỉ định phẫu thuật khác nhau như cắt dịch kính qua pars plana kết hợp độn nội nhãn bằng khí nở hoặc dầu silicone, đai hoàng điểm và các phẫu thuật thu gọn củng mạc.
Hình 1: Trước và sau PT lỗ hoàng điểm trên mắt cận thị cao
Các vết rạn dạng vệt sơn
Các vết rạn dạng vệt sơn là hậu quả của rách màng Bruch nguyên phát và xuất huyết nhỏ có thể tiến triển trong các vết rạn. Các vết rạn này xuất hiện trên bệnh nhân cận thị cao là yếu tố dự báo của biến chứng mất thị lực đột ngột vì tân mạch hắc mạc có thể tiến triển ở rất gần vị trí của các tổn thương này. Sự tăng sản các tổ chức xơ mạch bên trong có thể dẫn tới các tổn thương sắc tố gồ cao hình tròn.
Hình 2: Các vết dạng vệt sơn
Tân mạch hắc mạc
Trong các tổn thương liên quan tới cận thị cao, tân mạch hắc mạc (MCNV) cận thị là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Tổn thương này tiến triển ở khoảng 5 – 10 % mắt cận thị cao. 30% người cận thị cao có CNV một mắt mắt sẽ tiến triển ở mắt còn lại trong vòng 8 năm sau đó.
Bệnh nhân mới mắc MCNV có thể biểu hiện nhìn méo hình, ám điểm trung tâm hoặc cạnh tâm và giảm thị lực. Trên lâm sàng, MCNV có hình thái của màng dưới võng mạc dạng phẳng, nhỏ, màu xám, nằm dưới hoặc gần hoàng điểm.
Laser quang đông nhiệt trực tiếp đã được sử dụng nhưng sẽ gây mất thị lực do sự lan rộng của sẹo laser về lâu dài vì vậy hiện không còn chỉ định điều trị cho lựa chọn này. Các hướng tiếp cận khác như phẫu thuật dưới hoàng điểm hoặc chuyển vị hoàng điểm cũng đã được tiến hành với một số ca thành công nhưng phức tạp về mặt kĩ thuật và vẫn để lại nguy cơ tái phát. Phương pháp phổ biến nhất được biết đến gần đây là laser quang động (PDT) sử dụng verteporfin. Hiện nay, liệu pháp kháng thể ức chế yếu tố tăng sinh tân mạch (anti – VEGF) như tiêm nội nhãn bevacizumab đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ do khả năng cải thiện thị lực sau điều trị cho bệnh nhân. Với sự phổ biến của các anti – VEGF như ranibizumab, liệu pháp đích tấn công vào cơ chế sinh mạch đóng vai trò ngày càng quan trọng trong điều trị MCNV và trở thành lựa chọn tối ưu cho loại tổn thương này.
Kết luận
Những bệnh nhân cận thị cao có thể mắc hàng loạt các biến chứng võng mạc bao gồm thoái hóa chu biên, bong võng mạc và tổn thương hắc võng mạc cực sau. Do những biến đổi bệnh lý này có thể dẫn tới mất thị lực trầm trọng nên những bệnh nhân cận thị cao nên được giáo dục về triệu chứng của các tổn thương võng mạc như bong võng mạc, lỗ hoàng điểm và tân mạch hắc mạc cận thị. Nhóm đối tượng này nên được tư vấn để khám mắt ngay khi xuất hiện triệu chứng, từ đó giúp ngăn ngừa mất thị lực bằng can thiệp phẫu thuật hiệu quả và điều trị nội khoa tích cực từ những giai đoạn sớm.
Quý khách hàng cần hỗ trợ về đặt lịch khám, thông tin về các dịch vụ có tại Bệnh viện Mắt Quốc tế DND vui lòng liên hệ qua số Hotline 0969.128.128 – 0968.11.55.88 để được tư vấn và giải đáp.